Ngân hàng

Ngân hàng tấp nập phát hành, bán chéo trái phiếu cho nhau

  • Tác giả : Thúy Hằng
Trong 9 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu thị trường về phát hành trái phiếu, và bên mua chủ yếu là các ngân hàng khác với dư nợ 136,4 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, báo cáo của SSI cho biết, khối lượng trái phiếu ngân hàng phát hành thành công trong quý 3 đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, tăng tới 37,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, có 20 ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành trái phiếu, đạt 136,4 nghìn tỷ đồng (tăng 42,6% so với cùng kỳ). Kỳ hạn bình quân 4,13 năm và lãi suất bình quân 4,5%/năm.

Trước đó, số liệu của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong tháng 8/2021, có tổng cộng 52 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng giá trị phát hành 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị phát hành.

Cũng tương tự các tháng trước, trong tháng 8/2021, đứng ở vị trí á quân về phát hành trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản, với giá trị phát hành 8.950 tỷ đồng, nâng khối lượng lũy kế phát hành 8 tháng lên 107.980 tỷ đồng.

Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8% - 13%/năm.

Không chỉ dẫn đầu về lượng phát hành, ngân hàng thương mại còn là bên mua trái phiếu ngân hàng lớn nhất thị trường (mua bán chéo trái phiếu cho nhau nhau) bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua công ty chứng khoán.

Cụ thể, nhà đầu tư trái phiếu ngân hàng là 37,5 nghìn tỷ đồng (27%), công ty chứng khoán mua 66,7 nghìn tỷ đồng (48%), tổ chức trong nước (chủ yếu là công ty bảo hiểm và các Quỹ đầu tư chứng khoán) mua 30,9 nghìn tỷ đồng (22,3%), cá cá nhân mua 3,4 nghìn tỷ đồng (2,5%).

SSI cho rằng, thị trường trái phiếu ngân hàng sôi động là do các NHTM cần tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng Basel 2 và bổ sung nguồn vốn trung hạn. Cụ thể là hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đáp ứng thông tư quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Ngoài ra, thông tư 01/2021/TT-NHNN đã gỡ bỏ quy định của Thông tư 34/2013/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của các tổ chức tín dụng khác.

Hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân thường chỉ mua các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn dài (7-15 năm). Nhưng hầu hết có lãi suất thả nổi, năm đầu dao động từ 6,2% - 7,9%/năm.

Các trái phiếu này thường kèm theo quyền mua lại trước hạn của tổ chức phát hành sau 2-5 năm (hoặc 10 năm với trái phiếu 15 năm). Nhưng nếu không thực hiện lãi suất các kỳ cuối sẽ tăng rất cao.

Trong khi đó, một số lượng lớn các ngân hàng và công ty chứng khoán mua trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm có lãi suất cố định từ 2,6- 4,3%/năm, trả lãi hàng năm.

Mới đây, Bộ Tài Chính mới đây đã ban hành dự thảo Thông tư nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, điều khoản đáng chú ý nhất là việc quy định trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.

Thúy Hằng

BẢN DESKTOP