Dọc đường

Ngải tiên – “vàng trắng” trên Cao Nguyên Đá

Loại “vàng trắng” mà người dân vùng Tả Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang thường gọi thời gian gần đây chính là cây ngải tiên – một loại thảo dược mọc bạt ngàn quanh các dãy núi. Trước đây, ngải tiên thuộc loại vứt đi, người dân Cao Nguyên trăm đời phá không xuể…
cây ngải tiên

Vùng núi Tả Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang là mảnh đất rất thích hợp với cây ngải tiên.

Cây ngải tiên được bà con dân tộc Dao vùng Tả Phìn Hồ gọi với cái tên khác là cây xẹ. Cách đây độ chục năm, bà con người Dao trên vùng Tả Phìn Hồ ngày ngày phá xẹ… nhưng sức sống mạnh liệt của loài cỏ hoang khiến con người phải chịu…

Phá không hết

Trên triền núi cao, dưới những tán rừng râm mát là bạt ngàn ngải tiên – loài cây thường sống dưới bóng râm và có khả năng sinh trưởng vô cùng mãnh liệt.

Cách đây non chục năm, người dân trên đại ngàn Tả Phìn Hồ đã nghĩ mọi cách để triệt phá cây xẹ. Họ băm nát củ tươi, nhổ cả cây lẫn củ phơi nắng… nhưng loài cây chốn rừng hoang không chết mà còn phát triển mạnh gấp nhiều lần. Khi chặt nhỏ, hễ đoạn nào có thân mầm thì cây lại phát triển, thành thử càng băm củ thì thân mầm càng nhiều, thân mầm phát tán khắp nơi khiến cây xẹ ken đặc các triền đồi… Dân đành bó tay.

Mặc dù phá không xuể, nhưng loài cây hoang này lại chính là món ăn đặc biệt của người dân xóm núi. Người dân ăn củ, ăn nõn, làm thuốc…

Ông Lý Văn Vang, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì kể lại: Cây ngải tiên là món ăn sạch của người dân tộc Dao từ rất nhiều đời nay. Với người đi rừng, mỗi khi đói lả, họ chỉ cần dùng tay bẻ đọt ngải tiên, bóc lấy nõn bên trong ăn sống. Ăn xong, người sẽ sảng khoái, tăng lực đến lạ thường. Nhiều thời điểm, cây ngải tiên trở thành món cứu đói của người dân Cao Nguyên. Không chỉ ăn ngọn, củ cây ngải tiên có chứa tinh bột, được người dân luộc hoặc nạo ra để hấp, luộc ăn thay cơm.

Không những thế, cây ngải tiên còn được sử dụng như một loại thực phẩm giúp đàn ông cường tráng hơn, da dẻ hồng hào… hễ người nào yếu trong chuyện giường chiếu, họ thường lấy nõn ngải tiên về xào ăn mỗi tuần đôi ba bữa… Vậy là vợ chồng lại liếc nhau thẹn thùng, tỏ ý gia đình viên mãn.

cây ngải tiên

Ngải tiên là món ăn, bài thuốc quen thuộc của người dân Tả Phìn Hồ.

Mỗi khi đau bụng, đi ngoài, người Dao trên núi cũng dùng cây ngải tiên làm thuốc uống… chỉ đôi ba ngày là khỏi.

Có lẽ, từ khi sinh ra, những đứa trẻ chốn Cao Nguyên đã biết cách phải dùng cây ngải tiên như thế nào. Cái tập tính hoang dã như thể ghen di truyền, đi vào huyết quản mỗi con người nơi đây.

Ông Lý Văn Vang bảo: Lũ trẻ rồng rắn nhau lên nương, chăn trâu, chăn dê… rồi chúng bóc nõn ngải tiên cho nhau ăn như lẽ tự nhiên. Tuổi trẻ của mỗi thế hệ con người nơi thâm sơn cùng cốc cứ trôi qua, đem theo nhiều ký ức, kinh nghiệm sinh tồn… trong đó có cách dùng cây ngải tiên.

Ở vùng Tây Bắc, nhiều nơi có cây ngải tiên, nhưng có lẽ chỉ Tả Phìn Hồ mới là mảnh đất thích hợp nhất. Ngải tiên rải khắp các cánh rừng như những phản lụa xanh khổng lồ. Mỗi khi gió thổi thì dập dờn, mơn man như cánh đồng lúa đang đà “con gái”. Rất nên thơ.

Ông Vang tủm tỉm cười: Ngồi trên đỉnh núi mà nhìn triền đồi phủ xanh ngải tiên khiến lòng người thanh thản, quên đi bao khó khăn, mệt nhọc. Ở mộc góc nhìn khác, cây này thực sự là “món quà” quý giá mà thượng đế đã ban tặng.

Ký ức trăm năm về cây xẹ có lẽ chỉ xoay quanh mấy chuyện như vừa kể… cho đến một ngày, người trên núi xôn xao vì có thêm câu chuyện khác về loài cây thống trị đại ngàn…

“Mở mắt ra” là… có tiền

Ngải tiên đã giúp nhiều người dân Tả Phìn Hồ có đời sống tốt hơn.

Đến một ngày, người dân trên đỉnh Tả Phìn Hồ bỗng ngơ ngác, không tin vào tai, mắt mình khi có người đến đề nghị hợp tác trồng và thu mua cây xẹ. Loài cây hoang này có lẽ thu hái vài thập kỷ nữa chưa hết. Nhưng có người thu mua xẹ khiến dân chúng xốn xang, vui mừng hết nấc.

Người dân không chỉ bán được ngải tiên mà còn bán với giá rất cao. Có gia đình, mỗi sáng thức dậy chỉ cần ra hiên nhà, bờ rào, rìa đường nhổ vài tiếng đã có được hàng tạ ngải tiên. Mỗi kg ngải tiên có giá 2 ngàn đồng.

Anh Lý Chiều Cuối, người dân trên đỉnh Tả Phìn Hồ không giấu được cảm xúc mừng rỡ khi nói về cây ngải tiên: “Bình thường, mỗi gia đình có thể thu hái được 1 – 2 tạ ngải tiên/ngày, thu về số tiền 2 – 4 trăm ngàn đồng. Gia đình nào nhiều người có thể thu được hơn 1 tấn/ngày, thu về 2 triệu đồng. Mỗi tháng, mỗi người chỉ cần làm độ chục chuyến là đã thừa tiền tiêu”.

Có tiền, người dân trên núi xây được nhà mới, mua được xe máy… thậm chí có người còn trở thành dân buôn đất.

Chị Sùng Thị Vân, người dân xã Nậm Ty cười không nhặt được miệng khi mọi người trêu là “trùm bất động sản”. Chị Vân là người làm cho Viện Y học Bản địa Việt Nam cũng đồng thời là người bán cây ngải tiên cho Viện. Tiền kiếm được từ bán cây ngải tiên và lương chị để một nửa trang trải cuộc sống. Nửa còn lại tiết kiệm. Hễ dồn được khoản tiền nào là chị lại bỏ ra mua đất. Hiện gia đình chị có đến 3 mảnh đất. Một mảnh gia đình chị đang ở và 2 mảnh khác chị mới mua ở gần mặt đường lớn.

Chị Vân tính toán: Nếu vài năm nữa, Tả Phìn Hồ có nhiều du khách đến tham quan thì gia đình chị sẽ xây quán bán nước hoặc hàng ăn. Chỉ cần có vài quán nước là gia đình sẽ có thêm thu nhập, chồng chị sẽ bán nước phục vụ khách còn chị vấn miệt mài với công việc làm ở Viện Y học Bản địa.

Bác sĩ Hoàng Sầm, Viện trưởng Viện Y học Bản địa Việt Nam cho biết: Ngải tiên là loài cây quý, nhưng chúng ta chưa khai phá hết tiềm năng của nó. Viện đã có nghiên cứu về loài cây này từ rất lâu, nhưng nay mới đủ điều kiện để khơi dậy tiềm năng của cây ngải tiên, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng…

Quách Dương

BẢN DESKTOP