Y học và đời sống

Nếu trên da xuất hiện các dấu hiệu này nên khám tiểu đường sớm

  • Tác giả : Theo Mai Phương/ Tạp chí Tri thức
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trên da của mình, nên đi khám sớm vì chúng có thể là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu quá cao.

Cơ thể có quá nhiều insulin trong máu cũng gây ra các nốt mụn thịt dày đặc trên da, đặc biệt ở cổ, nách hay bẹn. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả làn da. Viện Da liễu Mỹ (AAD) khuyến cáo đã đến lúc nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trên da của mình dưới đây.

Đốm ở ống chân

Tình trạng da này được gọi là bệnh teo da đái tháo đường hoặc hội chứng chân đốm. Nó biểu hiện với các đốm tròn hoặc hình bầu dục, thường phát triển ở cẳng chân. Các đốm có thể có màu nâu hoặc nâu đỏ. Ban đầu, những đốm này thường có vảy, khi bong ra sẽ tạo thành vết lõm nhỏ trên da.

Những đốm ở ống chân này sẽ mờ dần sau khi bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt, thường là trong vòng 18-24 tháng. Nhưng triệu chứng này cũng có thể tồn tại trên da vô thời hạn.

Vùng da sẫm màu có cảm giác như nhung

Một mảng (hoặc dải) da mịn sẫm màu trên cổ, nách, háng hoặc một số vị trí khác có thể là dấu hiệu của tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Tên y học của tình trạng gây ra làn da mịn như nhung này là gai đen (acanthosis nigricans).

Vùng da sẫm màu sờ vào có cảm giác mịn như nhung thường là dấu hiệu bệnh tiểu đường. Ảnh: NHS.

Da cứng, dày lên

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, da cứng, dày và sưng tấy có thể phát triển, ngay cả khi bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt. Nó được gọi là bệnh xơ cứng bì do tiểu đường.

Thường phát triển ở phần lưng trên, da dày lên và căng dần theo thời gian. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở vai, cổ, nhưng không bao giờ xảy ra ở tay hoặc chân.

Mụn thịt

Nhiều người có mụn thịt thừa hay mụn cóc, là những khối u vô hại có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên da. Mặc dù vậy, nhiều mụn thịt xuất hiện cảnh báo cơ thể có quá nhiều insulin trong máu hoặc bệnh tiểu đường type 2. Những khối u này phổ biến nhất trên mí mắt, cổ, nách và bẹn.

Vết loét và vết thương hở

Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể dẫn đến tuần hoàn kém và tổn thương thần kinh. Điều này dẫn đến việc vết thương, loét khó lành và chậm hơn. Điều này đặc biệt đúng trên bàn chân. Các vết thương hở được gọi là vết loét do tiểu đường.

Bùng phát các vết sưng nhỏ

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể gây ra mức chất béo trung tính cực cao, loại chất béo lưu thông trong máu. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể phát triển bệnh Eruptive xanthomatosis - tình trạng da gây ra các mụn nhỏ màu vàng xuất hiện trên cơ thể.

Sau khi các vết sưng xuất hiện, chúng sẽ sớm chuyển sang màu hơi vàng với tông màu da sáng hơn. Với người có tông màu da tối, các nốt mụn này sẽ có màu xám với sắc vàng bên dưới. Chúng thường xuất hiện ở mông, đùi, khuỷu tay hoặc đầu gối nhưng cũng có thể hình thành ở bất cứ đâu.

Đặc điểm nhận biết của những nốt mụn này là mềm và ngứa. Một khi bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt, chúng sẽ biến mất.

Vết sưng hoặc mảng màu vàng trên và xung quanh mí mắt

Những vết sưng và mảng này phát triển khi cơ thể có lượng chất béo cao trong máu, đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị bệnh tiểu đường kiểm soát kém. Tên y tế của tình trạng này là xanthelasma. Bất kể người bệnh có màu da như thế nào, những vết sưng và mảng này đều có màu vàng hoặc vàng cam.

*Tiêu đề bài viết được BTV đặt lại!

!!!

Theo Mai Phương/ Tạp chí Tri thức

BẢN DESKTOP