KINH TẾ

Nếu giải ngân vốn đầu tư công tốt, GDP Việt Nam sẽ không dừng ở 5,64%

  • Tác giả : Hoàng Minh
(khoahocdoisong.vn) - Trong nửa đầu năm 2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn "ỳ ạch", chưa đạt 1/3 kế hoạch năm. Thậm chí một số bộ ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm có 9 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và 3 bộ, cơ quan trung ương hầu như không giải ngân, chỉ đạt tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Tính đến ngày 30/6/2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 133.890,16 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (34%), trong đó vốn trong nước đạt 31,75%, vốn nước ngoài đạt 7,37%. 

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công ở một số bộ, ngành và địa phương được Bộ Tài chính cho là do các đơn vị này mới giao kế hoạch vốn đợt 1, số vốn còn lại chưa phân bổ cho các dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 do các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, thông thường những tháng đầu năm việc giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn do Tết Nguyên đán và đây cũng là giai đoạn đầu chuẩn bị đầu tư nên chưa được quyết toán. Tuy nhiên, đến nay đã tròn 6 tháng rồi mà tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt được 1/3 kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cả năm (461.300 tỷ đồng) là hết sức quan ngại. Con số còn lại các bộ ngành, địa phương sẽ phải giải ngân trong nửa cuối năm là khoảng 327.381,5 tỷ đồng (tương đương hơn 14,2 tỷ USD), cao gấp 3 so với con số thực hiện trong nửa đầu năm. Đây là một thách thức vô cùng lớn.

TS Lê Duy Bình cho rằng, nếu tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện đúng dự toán ban đầu, con số về tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm chắc chắn không thể dừng ở 5,64% như công bố, mà có thể tốt hơn.

Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13. Trong đó nhấn mạnh, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Phương châm hành động là “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Hoàng Minh

BẢN DESKTOP