Đời sống

Nếu được rèn luyện 5 đức tính này khi con vào lớp 1, trẻ học trường nào cũng sẽ giỏi

Việc chọn trường tốt, trường điểm hay dạy con học sớm, học trước không quan trọng bằng việc nuôi dưỡng và rèn luyện cho con 5 đức tính này khi con vào lớp 1.

1. Tính kiên nhẫn

Yêu cầu trẻ tập trung thực sự là một thử thách khó nhằn đối với các bố mẹ có con vào lớp 1. Bản tính của trẻ là khám phá và học hỏi qua vận động và trải nghiệm, vì thế, khả năng tập trung của trẻ thường ngắn. Tuy nhiên, một tiết học khi bắt đầu vào lớp 1 là 30 phút và trẻ sẽ phải theo đuổi một hoạt động liên tục trong 30 phút này nên bố mẹ đừng quá lo lắng khi con thường xuyên được nhận xét là thiếu tập trung.

Hãy giúp con rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng tập trung một cách bền bỉ, từ 5 phút, 10 phút, 15 phút cho đến 30, 45 phút bằng những hoạt động vui vẻ như xếp hàng để mua đồ, chơi trò xâu hạt vòng, nhặt phân loại các hạt đỗ; đồng thời duy trì giờ học ở nhà đều đặn hàng ngày.

Thời gian học ở nhà không cần nhiều, trẻ mới vào lớp 1 chỉ cần tối đa 30 phút buổi tối để ôn lại và chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho hôm sau, không nên ép trẻ tập viết, làm toán quá nhiều, vừa không cần thiết, vừa khiến trẻ không còn niềm vui với việc học.

2. Tính cẩn thận, chậm rãi

Khi con vào lớp 1, trẻ vẫn thường hay vội vàng, hấp tấp, thích nhanh nhanh chóng chóng làm xong bài tập để còn được vui chơi. Điều này là hết sức bình thường, trẻ cần được hướng dẫn từ từ và đúng cách để điều chỉnh dần thói quen này của mình.

Để giúp trẻ chậm lại, bố mẹ có thể chơi với con trò chơi ‘thám tử’, tức là học cách quan sát và phát hiện ở bất cứ nơi nào mà trẻ đến, ví dụ như khi đi siêu thị thì đố trẻ quan sát xem có bao nhiêu cô/chú thu ngân; phát hiện khu bán rau củ, giá tiền của từng loại; khi đi nhà hàng thì quan sát xem địa chir/số điện thoại của nhà hàng là bao nhiêu…

Bằng cách này, dần dần trẻ sẽ hình thành nên thói quen quan sát và chậm rãi thu nạp thông tin để từ đó học cách suy nghĩ và hành động phù hợp.

3. Tính nhanh nhẹn, đúng giờ

Giờ giấc học tập ở cấp tiểu học quy củ và chặt chẽ chứ không còn linh động như ở trường mầm non, vì thế sự lề mề, uể oải và ì ạch của trẻ trong mọi hoạt động có lẽ là áp lực không hề nhỏ đối với bất cứ bố mẹ nào, đồng thời nó cũng khiến trẻ bị mất đi niềm vui đến trường khi liên tục bị bố mẹ giục giã, quát mắng hay thường xuyên đi học muộn.

Vì thế, cùng con thiết lập một thời gian biểu phù hợp cho các hoạt động trong ngày là điều các bố mẹ cực kì nên làm. Hãy nhớ nguyên tắc ‘ưu tiên những việc quan trọng’ khi cùng con lên kế hoạch cho thời gian biểu như ngủ sớm, dậy sớm, vận động thể chất, ăn đúng bữa, hoàn thành bài tập hàng ngày.

Bố mẹ nên khích lệ và khen ngợi trẻ khi con có tiến bộ, đồng thời cân đối thời gian giữa học tập – vui chơi – nghỉ ngơi để trẻ có được sự cân bằng và thư giãn cần thiết, từ đó đảm bảo sức khỏe và cảm hứng đối với việc học.

4. Tính độc lập, tự chủ

Sự tự chủ đầu tiên thể hiện ở việc trẻ có thể tự biết cách chăm sóc bản thân từ những kĩ năng cơ bản nhất như đi tất, cài cúc áo, buộc dây giày, mặc quần có khóa kéo và cúc bấm, tự lau chùi sau khi đi vệ sinh, rửa tay đúng cách… sau đó là việc trẻ biết nói ra và thể hiện rõ ràng các nhu cầu cá nhân của mình như mệt mỏi, khát nước, đau bụng, cần được hỗ trợ. Đây là điều rất cần thiết cho con vào lớp 1, không chỉ giúp trẻ cảm thấy tự tin và còn giúp trẻ hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào người khác để phòng tránh các nguy cơ bị lợi dụng và xâm hại.

Để giúp con có tính độc lập, tự chủ, từ nhỏ bố mẹ nên tin tưởng vào khả năng của trẻ và cho trẻ thời gian để tự làm mọi việc, hoàn thiện dần kĩ năng của mình. Trẻ càng được bố mẹ tin tưởng và được học cách tự chăm sóc bản thân mình từ sớm sẽ càng độc lập và tự chủ khi lớn lên.

5. Sự tin tưởng, gắn bó với cha mẹ

Con vào lớp 1 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của trẻ. Cho dù, trẻ có được chuẩn bị tốt nhất và tâm lý và tâm thế đi chăng nữa thì trẻ vẫn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, căng thẳng trong quá trình đi học. Đó có thể là cường độ học tập, là nề nếp sinh hoạt bị xáo trộn, là bị bạn bè bắt nạt, là không tìm được bạn thân hay bất kì ức chế tâm lý nào.

Vì thế, sự tin tưởng và gắn bó với bố mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với trẻ. Bố mẹ cần dành thời gian để đồng hành, lắng nghe và tôn trọng trẻ một cách kiên nhẫn và trọn vẹn để nắm bắt được những thay đổi tâm lý hay biến cố mà trẻ gặp phải ở trường lớp.

Khi trẻ có được sự tin tưởng và gắn kết chặt chẽ với cha mẹ, trẻ sẽ dễ dàng giải tỏa và chia sẻ những lo lắng của mình hơn, nhờ đó, trẻ sẽ dễ dàng vượt qua những ‘cú sốc’ từ nhỏ đến lớn trong suốt quá trình đi học để tận hưởng niềm vui trường lớp của mình.

Theo An Nhi,Helino/Ttvn.vn (afamily)

BẢN DESKTOP