Giáo dục

Nên tổ chức thi THPT Quốc gia thử qua mạng

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Thầy cô giáo nên tổ chức cho học sinh thi thử đề tham khảo thi THPT quốc gia qua mạng, để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử cho học sinh. 

Đề thi tham khảo vừa sức với học sinh

Theo chủ trương ban đầu, Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa do kì thi THPT Quốc gia năm  nay giữ ổn định. Giáo viên và học sinh sẽ dựa vào đề thi minh họa năm 2019 để ôn tập.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà Bộ GD&ĐT đã phải giảm tải chương trình và công bố đề thi minh họa. KH&ĐS đã ghi nhận ý kiến một số thầy cô giáo, học sinh đánh giá về đề thi tham khảo này.

Theo đó, đa số các ý kiến của các thầy cô giáo, học sinh đều cho rằng, đề thi năm nay ở “tầm trung”, với độ khó vừa phải, không đánh đố thí sinh.

Cô giáo Lê Hương Giang, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, về cấu trúc đề thi vẫn không khác đề thi năm 2019, vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). 

Câu hỏi phần Đọc hiểu theo các mức độ: Nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Từ nhiều năm nay, học trò đã được làm quen với câu hỏi dạng này nên cũng sẽ không bỡ ngỡ.

Tương tự, phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ. Câu nghị luận văn học sẽ là câu phân hóa của đề thi ngữ văn. Nhưng với câu hỏi như trong đề thi tham khảo cũng không "làm khó" thí sinh. Ngoài ra, đây cũng là dạng câu hỏi quen thuộc, học sinh đã được làm quen từ các đề thi năm trước.

Còn câu nghị luận văn học, kiến thức cũng trong chương trình học kì 2 lớp 12, nằm trong nội dung tinh giản của Bộ GD&ĐT và phù hợp với thời lượng đề thi 120 phút.

Đối với đề thi môn Toán, Tiếng Anh, các giáo viên cũng cùng chung nhận xét đề thi bám sát kiến thức cơ bản. Nếu ôn tập tốt, nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh trung bình có thể đạt 6-7 điểm.

Tận dụng việc học trên truyền hình

Việc đề thi tham khảo THPT Quốc gia vừa sức, không làm khó thí sinh khiến tâm lý của các thí sinh bớt lo lắng hơn. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là với những trường top cao, cần sự phân loại thì sẽ dựa vào đâu? Việc học online, học qua truyền hình sẽ khó khăn với nhiều thí sinh, vậy đề thi sẽ có những kiến thức như thế nào để đảm bảo sự công bằng với các thí sinh?

TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT Quốc gia năm 2020 cho biết, định dạng và cấu trúc đề tham khảo năm nay có độ khó “thấp” hơn so với đề thi tham khảo và cả đề thi chính thức năm 2019. 

Trong đó, khoảng 70% câu hỏi thuộc nội dung kiến thức cơ bản; 20% câu hỏi mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức vận dụng cao. Nội dung đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức của nội dung chương trình lớp 11.

Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn thi đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và lần lượt từ dễ đến khó. Càng về cuối mỗi đề thi, các câu hỏi càng có tính phân loại ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.

Như vậy, đề thi vẫn có câu hỏi phân loại thí sinh, chứ không phải “cào bằng”. 

Đối với học kỳ 2, ông Hồng cho biết, các câu hỏi thuộc nội dung kiến thức của học kỳ này cũng chỉ còn ở cấp độ nhận biết và thông hiểu, giảm toàn bộ những câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.

Các câu hỏi trong tất cả đề thi đều không nằm trong nội dung kiến thức đã được tinh giản thuộc chương trình học kỳ 2 của lớp 12, năm học 2019 - 2020. 

Cũng bởi vì đề thi chủ yếu là các kiến thức cơ bản, cho nên, thí sinh cần tự  rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12. Cố gắng tận dụng tối đa các bài giảng qua internet và truyền hình, ở nhiều kênh do Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện để nắm bắt và lĩnh hội đầy đủ các kiến thức phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia.

Nên tổ chức thi thử qua mạng

Đối với việc học qua internet, học qua truyền hình, vấn đề tự học của học sinh luôn được các chuyên gia, giáo viên nhấn mạnh. Tuy nhiên, để khai thác đề thi tham khảo phục vụ quá trình dạy học và giúp học sinh ôn luyện chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, không thể thiếu sự dẫn dắt của các thầy cô.

Theo ông Sái Công Hồng, các giáo viên nên phân tích định dạng và cấu trúc đề theo các nhóm cấp độ câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao), theo các chủ đề của nội dung kiến thức, khu trú lại những nội dung hết sức căn bản và tích hợp các chủ đề để định hướng việc dạy học, ôn tập cho học sinh.

Nhất là đối với những câu hỏi ở cấp độ nhận biết và thông hiểu, thầy cô nên phân tích từng câu để xem các câu hỏi thuộc chủ đề nào, khối kiến thức nào. Trên cơ sở đó, thầy cô hệ thống hóa kiến thức, sắp xếp các chủ đề liên thông với nhau để ôn tập tốt kiến thức căn bản, làm tiền đề cho số câu hỏi thuộc nội dung cấp độ vận dụng và vận dụng cao còn lại.

Đặc biệt, là cần có một cuộc thi THPT Quốc gia thử. Theo đó, các thầy cô giáo tư vấn hoặc tổ chức cho học sinh thi thử đề tham khảo thi THPT quốc gia qua mạng, để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử.

Kết quả thi thử hay các bài kiểm tra gần với cách thức thi THPT quốc gia giúp học sinh tự đánh giá  kiến thức, biết chỗ nào còn yếu, còn bị hổng để có kế hoạch học tập và ôn luyện.

"Với sự điều chỉnh về định dạng, cấu trúc giảm độ khó của đề tham khảo thi THPT Quốc gia 2020, học sinh lớp 12 nên tận dụng tối đa thời gian để học tập và ôn luyện thật chắc kiến thức cơ bản, từ đó “ăn điểm” tối đa 70% câu hỏi của toàn bài", ông Sái Công Hồng cho biết.


Mai Nguyễn

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP