Bình luận

Nên thấy xấu hổ với luận án tồi

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, tình trạng “lạm phát” tiến sỹ hiện nay xuất phát từ việc người ta coi làm tiến sỹ để có học hàm cao, dễ thăng tiến, được trọng vọng, chứ không phải vì để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống, tìm ra được chân lý khoa học mới.

PGS.TS Phạm Gia Điền: “Ví dụ trong ngành tôi, các tiến sỹ làm về hóa chất thiên nhiên cứ lấy một cái cây rồi phân tích thành phần hóa học là bảo vệ được tiến sỹ”.

Một cây thuốc, mấy luận văn

Câu chuyện loạn đào tạo tiến sỹ, có những” “lò” đào tạo tiến sỹ, những đề tài làm luận án “vô thưởng vô phạt” nghe qua thôi đã phì cười… được nói đến nhiều những ngày qua. Là người đã từng ở trong các hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ, ông nghĩ sao?

Từ lâu tôi đã thấy rất trăn trở với những bất cập trong đào tạo tiến sỹ. Có những đề tài mà tôi không hiểu người ta làm để làm gì. Chất lượng của những luận án không cao, không có gì mới đã đành, tình trạng làm đi làm lại một đề tài, tình trạng sao chép, làm qua loa cho có cũng không phải là hiếm.

Thế nên mới có chuyện hàng ngàn tiến sỹ nhưng không giải quyết được một vấn đề khoa học dù nhỏ.

Ở góc độ xã hội tôi thấy cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp rất nhiều, với thực trạng này, liệu đến lúc nào đó, tiến sỹ cũng chung số phận?

Phải khẳng định là việc đào tạo tiến sỹ hiện nay không theo nhu cầu của xã hội. Có rất nhiều ngành nghề cần người có trình độ tiến sỹ mà không đào tạo, trong khi những ngành không cần thì lại cứ đào tạo.

Nó là bất cập ở chỗ đó. Ví dụ trong ngành tôi, các tiến sỹ làm về hóa chất thiên nhiên cứ lấy một cái cây rồi phân tích thành phần hóa học là bảo vệ được tiến sỹ.

Nhưng cái đó không góp ích gì cho xã hội cả bởi những cái cây đó đã được biết đến rồi, có dùng hay không, dùng vào việc gì cũng đều đã có rồi.

Nhưng về công nghệ thì không ai đào tạo mà xã hội lại rất cần. Ví dụ như công nghệ chiết tách thành phần từ các cây dược liệu, các công ty, xí nghiệp dược rất cần nhưng đâu có ai làm?

“Bây giờ chúng ta kém hơn Thái Lan, trong khi trước đây chúng ta phát triển hơn, là bởi Thái Lan coi trọng phát triển khoa học hơn chúng ta. Bây giờ hàng hóa Thái Lan có chất lượng cao hơn hàng hóa của Việt Nam, đó chính là bởi các nhà khoa học Thái Lan đã nghiên cứu và đóng góp cho xã hội. Chừng nào chúng ta còn làm những luận án vô thưởng vô phạt, không để làm gì cả, thì chừng đó chúng ta còn kém phát triển”.

Vì sao thế?

Vì nó khó, đòi hỏi thời gian nghiên cứu dài, chi phí lớn, phải có cơ sở vật chất để nghiên cứu. Chúng ta thiếu tiến sỹ công nghệ lắm, ở các nước thì họ không bao giờ đào tạo công nghệ, nên chỉ có cách là tự làm, tự nghiên cứu thì mới làm chủ được. Nên thừa rất thừa, thiếu rất thiếu.

Theo ông vì sao có những đề tài luận án tiến sỹ không mang tính ứng dụng nhưng lại khá phổ biến?

Ôi đơn giản thôi, vì đó là những đề tài dễ làm, cứ đọc sách rồi chép chỗ này một đoạn chỗ kia một đoạn là ra được luận án tiến sỹ, không có sáng tạo.

Trong khi đó tất cả những luận án tiến sỹ yêu cầu phải có tính mới. Nhưng tính mới ấy nhiều khi hội đồng cũng đánh giá chưa chuẩn, chính người phản biện trong hội đồng cũng không đánh giá được tính mới ấy, đóng góp của luận án vào cuộc sống là gì.

Cái này nó mang tính định tính nên rất khó. Nên nhiều khi luận án cứ chép của nhau, để cuối cùng nó chẳng có đóng góp gì cả. Nhiều khi một cây thuốc có đến mấy luận văn tiến sỹ, chẳng đem lại điều gì.

Làm tiến sỹ tốn tiền lắm!

Việc đào tạo tiến sỹ trước đây có dễ dàng như vậy không ạ?

Không, ngày xưa khó lắm. Làm tiến sỹ trong nước cực khó, ngành của tôi nếu không có thiết bị thì cực kỳ khó làm. Nên chủ yếu là đào tạo ở nước ngoài, nhưng học ở nước ngoài thì chỉ học về lý thuyết cơ bản thôi, chứ công nghệ là dạng bí mật quốc gia nên không nước nào đào tạo về công nghệ cả.

Còn bây giờ, cái càng thừa thì càng đào tạo, cái thiếu lại chẳng thấy đâu, chất lượng thì đi xuống.

Trong khi đó bằng cấp tiến sỹ thì có giá trị ngang nhau?

Đúng thế, đã gọi là tiến sỹ thì giống nhau cả, có ai gọi là tiến sỹ cấp 1, tiến sỹ cấp 2 đâu.

Ông có thấy buồn vì mình phải vất vả lắm, miệt mài nghiên cứu lắm mới có bằng tiến sỹ, còn người ta thì…

Tôi nghĩ nhiều về công việc của mình, về những việc mình cần phải làm hơn là nghĩ so với những tiến sỹ khác cùng trình độ thì mình thế nào. Thực ra trăn trở là có, buồn cũng có, vì ít nhiều tình trạng đó nó kéo lùi sự phát triển của khoa học.

Hệ quả của tình trạng lạm phát tiến sỹ này sẽ thế nào?

Lãng phí tiền của Nhà nước, công sức và tiền bạc của người học. Bây giờ làm tiến sỹ cũng tốn tiền lắm. Chỉ riêng tiền cho hội đồng, tiền bảo vệ luận án cũng mất mấy chục triệu đồng rồi, chưa kể là quá trình làm, tiêu tốn bao nhiêu giấy mực.

Rồi bảo vệ xong chẳng để làm gì, cất ngăn kéo cũng là lãng phí. Chưa kể có người sử dụng bằng tiến sỹ để làm những chuyện không đúng như để được bổ nhiệm làm lãnh đạo, tăng thu nhập…

Bây giờ có tâm lý, phải có bằng mới được làm lãnh đạo, có bằng tiến sỹ thì dễ “leo” lên chức này chức kia, dù đó là cái bằng không kiến thức.

Riêng đối với khoa học thì nó tác động thế nào?

Muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển khoa học, bởi thế nó tác động trực tiếp đến xã hội. Những tiến sỹ không có tài năng, công nghệ, đóng góp nào thì chỉ tốn tiền của xã hội, kìm hãm sự phát triển xã hội.

Vì nhiều khi có những kỹ sư có trình độ rất cao, có thể làm được nhiều việc nhưng vì không có bằng cấp nên không đươc làm, kẻ có bằng tiến sỹ kia lại chèn ép họ, khiến họ không làm được.

Tôi cũng có lỗi

Ông đã từng ngồi ở nhiều hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ, có khi nào ông “nhắm mắt cho qua” để một cái bằng tiến sỹ vô thưởng vô phạt nữa lại ra đời?

Thực ra những em làm tiến sỹ làm thực sự phải bỏ rất nhiều công sức, chỉ những người đi chép lại là đáng lên án, nhưng tôi chưa gặp trường hợp đó. Chỉ có những trường hợp mà công trình của họ không có nhiều tính mới nhưng tôi vẫn cho qua vì sức phấn đấu của người đó chỉ đến thôi, chứ không có chuyện không xứng đáng mà vẫn cho qua.

Tình trạng “loạn tiến sỹ” cũng có lỗi một phần nào đó từ những người như ông?

Bản thân tôi rất trăn trở, nhiều đề tài không có ý nghĩa nhiều lắm để đóng góp cho xã hội, mà mình vẫn phải cho qua vì em đó làm thật, nghiên cứu thật.

Lỗi do đâu mà có thực trạng đó?

Do nhiều lắm, có khi chính tôi cũng có lỗi. Tôi không ở trong hết cả hội đồng nhưng phải nói rằng nhiều đề tài không có giá trị lắm.

Ở lĩnh vực khoa học xã hội dễ làm tiến sỹ hơn khoa học tự nhiên vì nó mang tính định tính nhiều hơn?

Đúng là thế. Tôi là thành viên hội đồng của Sở KH&CN Hà Nội, đọc tên nhiều đề tài tôi cũng thấy lạ là vì sao người ta lại làm những đề tài kiểu như báo chí thời gian qua đã nói. Rồi tình trạng đạo văn trong tiến sỹ cũng có, thậm chí làm cả bằng cấp giả thì trong xã hội vẫn cứ xảy ra.

Theo ông làm thế nào để bằng tiến sỹ phải tương đương với trình độ của người sở hữu nó?

Nó phụ thuộc nhiều vấn đề, người lãnh đạo phải biết cái gì là quan trọng cần phát triển trong ngành của mình, rồi nhìn ra rộng hơn là đóng góp cho xã hội thế nào.

Nhiều khi đào tạo tiến sỹ chỉ để đạt mục tiêu đạt đủ số lượng tiến sỹ đào tạo để đăng ký giáo sư hoặc phó giáo sư. Trong khi luận án của họ không đóng góp gì nhiều cho xã hội. Đề tài phải thực sự đóng góp được cho xã hội, có cái mới.

Có lẽ chính người làm luận án tiến sỹ, cũng cần có văn hóa “biết xấu hổ” với sản phẩm mình làm?

Đúng thế, nên có tự trọng và xấu hổ với cái mình làm mà không có ý nghĩa gì đóng góp cho xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP