Đã ghi nhận hơn 100.000 ca tay chân miệng
Theo thống kê, trong tuần 39/2023 cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần tuần 38 Hà Nội có 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).
Đã ghi nhận hơn 100.000 ca tay chân miệng |
Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Cụ thể, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9-2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.
Tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm Quận Bình Tân, Huyện Nhà Bè và Huyện Bình Chánh. Hiện Thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh.
Phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nặng
Theo ThS.BS Đinh Xuân Hoàng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) có diễn biến nhanh gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.
Theo đánh giá của các chuyên gia thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng.
Thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Hùng Vương |
Thông thường, bệnh sẽ diễn tiến vài ngày cho đến một tuần với những dấu hiệu như: Sốt; Đau họng và khó ăn hoặc uống; Tổn thương ở miệng: Khởi đầu như là những bóng nước nhỏ, về sau phát triển thành các vết loét màu vàng; Các nốt ban đỏ và bóng nước: Có thể xuất hiện ở bàn tay, bàn chân và đôi khi ở mông, ban đỏ có thể lan rộng toàn thân.
Tuy nhiên gần đây, nhiều bệnh nhi bị tay chân miệng kèm bội nhiễm, tình trạng sốt cao liên tục... phải nhập viện. Chính vì vậy các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà điều quan trọng nhất là đảm bảo cho trẻ uống đủ dịch trong ngày và giảm đau, hạ sốt.
Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, ba mẹ cần chú ý các dấu hiệu nguy hiểm phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay như sau: Sốt cao khó hạ, lừ đừ, hay quấy khóc bất thường, nhức đầu, giật mình nhiều, run cơ, yếu chi đi đứng loạng choạng, thở mệt, ói nhiều hay không thể uống đủ nước.
Cách “né” bệnh tay chân miệng cho con:
Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên ba mẹ cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh sau:
- ĐẶC BIỆT Không hôn trẻ vì người lớn có thể mang bệnh mà không có biểu hiện.
- Cần tuyệt đối cách ly trẻ khỏe mạnh với trẻ mang bệnh.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài và tiếp xúc với đám đông.
- Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; người lớn cần rửa tay trước khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ.
- Vệ sinh sạch sẽ bề mặt đồ chơi và những nơi trẻ tiếp xúc hàng ngày như mặt bàn, nắm cửa, tay vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
- Tăng cường đề kháng bằng cách ăn đủ bữa, đủ chất hoặc bổ sung thêm các loại thực phẩm chức năng kích hoạt trực tiếp lên hệ miễn dịch.