Đời sống

Năng lượng của tình yêu thương

Trong chuyến mang quần áo ấm cho trẻ em trên Mù Cang Chải vừa rồi, tôi được đi cùng với bà Nguyễn Thị Lợi (65 tuổi, ở 103 Văn Cao, Hà Nội). Vóc người nhỏ bé, có vẻ không được khỏe lắm, đường lại xa và đi lại rất vất vả, nhưng bà tham gia rất nhiệt tình. Càng khâm phục hơn khi biết đây không phải là chuyến đi đầu tiên của bà.

Bà Lợi trong chuyến mang quần áo ấm lên cho trẻ em Mù Cang Chải

Trở về từ cõi chết

Cách đây 13 năm, năm 2004, bà Lợi bị tai nạn giao thông, giập não, vỡ mắt cá chân… Đấy là nghe mọi người kể lại thế, chứ từ lúc bị tai nạn, bà không biết gì nữa. Lúc đó ai cũng tưởng bà không qua khỏi, gia đình đã phải lo chuẩn bị hậu sự rồi.

Sự hồi sinh của bà quả là kỳ diệu, đến ngay cả bác sĩ điều trị cũng phải ngạc nhiên. Cùng với sự can thiệp của y học thì tình yêu thương và năng lượng của những người thân đã giúp bà bình phục. Chồng con thì không kể làm gì, còn anh em, họ hàng ngày đêm thay nhau vào chăm sóc bà. Chị dâu ngày nào cũng vào lau người, làm vệ sinh cho bà. Còn ông anh chồng thì vào trông em cả đêm. Mặc dù hôn mê, không biết gì, nhưng sự chăm sóc, tình yêu thương của người thân đã cho bà thêm năng lượng để sống.

Và đặc biệt một nguồn năng lượng thực sự mà hàng ngày chồng bà và những người bạn cùng tập tâm năng dưỡng sinh liên tục truyền cho, đã giúp bà trở về từ cõi chết. 3 tháng sau, bà phải phẫu thuật lần nữa để lắp mảnh sọ. Rồi cả quãng thời gian hơn chục năm hồi phục dần dần sau đó quả là không hề dễ dàng.

Bà Lợi kể, bà tập tâm năng dưỡng sinh từ năm 1996. Bà đã tập đến mức đạt được vô thức, cảm nhận được luồng năng lượng ra vào cơ thể và đã hướng dẫn được cho người khác tập cũng như tác động để giải bệnh.

Thế nhưng sau tai nạn, đầu óc cũng bị ảnh hưởng, không thể tập trung được, rất hay nghĩ vẩn vơ, hay quên, quên tên người, thậm chí quên cả mặt chữ, không đọc được. Nhờ kiên trì luyện tập và được sự trợ giúp của chồng và các bạn đồng môn, sức khỏe bà ngày một khá lên.

Nhất là từ khi cô em họ rủ bà lên chùa nghe kinh Phật, đầu óc dần dần tĩnh lại, rồi nhớ ra, đọc được. Sau đó được theo em trong các chuyến đi làm từ thiện, bà rất thích. Dù lên miền núi xa xôi, đường đi rất vất vả, nhưng được chứng kiến cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ của những người dân, được ngắm nhìn những cảnh đẹp của đất nước, được chia sẻ và đặc biệt được đón tiếp rất nhiệt tình, ấm áp… bà thấy đầu óc nhẹ nhõm, người khỏe ra nhiều.

Từ đó, từ số tiền lương ít ỏi của hai vợ chồng, bà chịu khó dành dụm để một năm đi được vài ba chuyến như thế.

Càng cho đi, càng nhận lại nhiều

Hiện giờ, hàng ngày bà vẫn dậy sớm, tập tâm năng dưỡng sinh phục hồi sức khỏe từ 4-5h sáng. Còn mỗi tuần dành ra một ngày để tập theo nhóm, tác động, truyền năng lượng cho nhau.

Tôi thắc mắc, truyền năng lượng cho người khác như thế thì có sợ mất năng lượng không. Nhưng bà Lợi bảo, tập dưỡng sinh không chỉ để giữ cho mình khỏe mạnh, mà còn để giúp đỡ những người ốm đau, bệnh tật, những người yếu hơn mình. Khi mình ốm, mọi người đã giúp nhiều thì nay cần phải giúp cho những người khác.

Hơn nữa, thu năng lượng trong vũ trụ vào rồi thì phải xả ra. Năng lượng có lưu thông thì người mới khỏe. Thì ra, năng lượng vũ trụ cũng giống như tình yêu thương, cho đi không sợ hết, mà càng cho đi càng nhận lại được nhiều.

Tấm gương kiên trì tập luyện để vượt qua bệnh tật, trở lại với cuộc sống của bà Lợi đã trở thành nguồn động viên cho nhiều hội viên tập tâm năng dưỡng sinh. Còn với tôi, người phụ nữ nhỏ bé ấy đã giúp tôi thấy được sức mạnh của tình yêu thương.

Bảo Anh

BẢN DESKTOP