Làm đẹp

Nắng 7 giờ sáng có làm đen da sạm da?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời là điều mà bạn không thể tránh khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nắng ở mỗi thời điểm có thể đem lại lợi ích hoặc tác hại khác nhau.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lợi ích của ánh nắng mặt trời

Khi nhắc đến ánh nắng mặt trời, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến tia UV với những ảnh hưởng tiêu cực đến làn da như gây sạm da, lão hoá sớm… mà ít ai biết đến những lợi ích của ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe.

Dưới đây là một số lợi ích của ánh nắng mặt trời đối với sức khỏe con người:

Tốt cho sức khỏe tâm thần

Ánh sáng mặt trời được chứng minh là có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh chất dẫn truyền hoá học serotonin giúp ổn định tâm trạng. Chính vì thế, sẽ rất tốt cho sức khỏe tâm thần của bạn nếu như bạn việc sống trong không gian có nhiều ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra serotonin có tác dụng rất tốt giúp hỗ trợ điều trị trầm cảm và lo lắng.

Cung cấp vitamin D cho cơ thể

Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời có tác dụng thúc đẩy quá trình sản sinh vitamin D và tăng khả năng hấp thu canxi. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe xương khớp, ngăn ngừa chứng còi xương ở trẻ em và loãng xương, thoái hoá xương khớp ở người trung niên mà còn có thể mang đến nhiều lợi ích sức khoẻ khác như duy trì chức năng não bộ, giúp răng luôn chắc khỏe đồng thời đẩy lùi các vấn đề về nướu, ngăn ngừa bệnh đa xơ cứng…

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện, ánh sáng mặt trời có thể kích thích tế bào miễn dịch phản ứng nhanh hơn. Nghiên cứu này cho thấy, ánh nắng tạo ra hydrogen peroxide trong các tế bào T giúp cho các tế bào di chuyển đến nơi vết thương bị tổn hại và kích thích tế bào phát triển làm lành vết thương một cách nhanh chóng đồng thời giúp kháng khuẩn và hạn chế nhiễm trùng.

Ngăn ngừa một số loại ung thư

Trên thực tế, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp xúc với nguồn sáng tự nhiên này ở mức vừa phải thì bạn sẽ có được rất nhiều lợi ích, trong đó không thể không kể đến tác dụng ngăn ngừa một số loại ung thư.

Theo một nghiên cứu, nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư ruột già, ung thư hạch bạch huyết Hodgkin ở những người sống ở khu vực có nhiều ánh nắng mặt trời vào ban ngày thấp hơn những người khác.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Ánh sáng mặt trời có thể tác động đến quá trình sản sinh melatonin - hormone có vai trò quan trọng trong việc điều hòa giấc ngủ và nhịp sinh học của cơ thể.

Khi ánh sáng mặt trời chiếu đến mắt bạn, não bộ sẽ nhận được tín hiệu thông báo ngừng sản sinh hormone melatonin. Đây chính là lý do vào ban ngày bạn thường tỉnh táo. Ngược lại, khi trời tối, một tín hiệu khác sẽ được gửi đến não bộ nhằm bắt đầu quá trình sản sinh melatonin, giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon giấc hơn.

Tiếp xúc nắng vào lúc 7 giờ sáng có làm đen da?

Trên thực tế, ánh nắng mặt trời ở thời điểm nào cũng chứa tia cực tím UVA và UVB. Dù lượng UVA và UVB trong nắng sớm khá thấp nhưng nếu chịu tác động của hai loại tia cực tím này trong thời gian dài và liên tục, da của bạn vẫn bị tối màu, sạm đen. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian trước 10h và sau 16h sẽ không gây cháy nắng hoặc bỏng rát da.

Dù vậy, bạn đừng vì thế mà chủ quan bởi ở hai khung giờ kể trên, trong ánh nắng ít nhiều vẫn có tia tử ngoại, nếu tiếp xúc trong thời gian quá dài sẽ khiến DNA trong tế bào bị phá vỡ, từ đó gây những hậu quả khôn lường.

Tùy thời điểm mà ánh nắng Mặt trời có cường độ chiếu sáng khác nhau, mức độ ảnh hưởng tới da cũng khác nhau. Dựa theo cường độ chiếu sáng thì từ 10h đến 15h là khoảng thời gian ánh nắng gây đen da nhanh nhất, nên hạn chế ra ngoài, hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ da để tránh tia tử ngoại.

Tia UV có thể dễ dàng xuyên qua lớp quần áo để tấn công da. Vì thế, bên cạnh các vật dụng chống nắng, bạn nên thoa kem chống nắng.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP