Trong nước

Nặn mụn trên mặt, thanh niên 19 tuổi nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi hoại tử

  • Tác giả : CNĐD: Lê Thị Hằng
Nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh, gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt...thậm chí tử vong.

Tự cậy, nặn mụn mủ trên mặt có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết

Vừa qua tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận trường hợp bệnh nhân A sinh năm 2005 đến từ Hà Nội. Trước khi vào viện bệnh nhân có mụn ở mép môi dưới bên má trái, kèm theo sưng nề, nóng đỏ.

Bệnh nhân đã tự nặn mụn sau đó sốt 38 độ, có gai rét và cơn rét run, ở nhà đã tự dùng hạ sốt, không đỡ. Gia đình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng: Sốt cao 38 - 38.5 độ, Có cơn rét run, môi khô; vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế; khó thở nhẹ, đau tức ngực, hỗ trợ thở oxy gọng kính 3l/p.

Hình ảnh tổn thương vùng môi má trái của bệnh nhân - Ảnh BVCC

Hình ảnh tổn thương vùng môi má trái của bệnh nhân - Ảnh BVCC

. Ảnh L.HHình ảnh tổn thương vùng môi má trái của bệnh nhân . Ảnh L.H

Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm và được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus cửa vào từ ổ áp xe vùng mặt - cằm trái, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát viêm phổi hoại tử 2 bên.

Trong quá trình nằm viện, dưới phác đồ điều trị của các bác sĩ và sự chăm sóc chu đáo tận tình của các điều dưỡng viên bệnh nhân dần dần ổn định, vùng mặt - cằm đỡ sưng nề rõ, thân nhiệt trở về bình thường. Bệnh nhân ổn định được ra viện.

Chạm vùng tam giác nguy hiểm dễ ... tử vong

Mụn (dân gian thường gọi là trứng cá) là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông là nguyên nhân gây ra mụn nhọt, với biểu hiện là những vết sưng đỏ, mềm, có mủ trắng ở đầu.

Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên và chịu nhiều áp lực. Mặc dù vậy, nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.

Đặc biệt ở vùng mặt có một khu vực gọi là vùng tam giác nguy hiểm, cách xác định: Đặt bàn tay sao cho đầu ngón tay giữa chạm xương mũi, lòng bàn tay ôm trọn vùng mũi - miệng và cằm. Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van.

Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên các bệnh: Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, thậm chí tử vong.

Hình ảnh vết thương hồi phục của bệnh nhân - Ảnh L.H

Hình ảnh vết thương hồi phục của bệnh nhân - Ảnh L.H

Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm bệnh viện TƯQĐ 108 nhấn mạnh: Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu. Trong bệnh lý nhiễm khuẩn huyết thường xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.

Hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh ở người đều có thể gây nên bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên hay gặp một số nhóm vi khuẩn sau:

Vi khuẩn Gram-âm bao gồm: Salmonella, Escherichia coli; Klebsiella; Serratia; Pseudomonas aeruginosa; Burkholderia pseudomallei; A. baumannii

Vi khuẩn Gram-dương: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus suis…

Vi khuẩn kị khí: Clostridium perfringenes và Bacteroides Fragilis.

Chính vì vậy, bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.

Cách phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn huyết

Thực hiện các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn.

Không tự ý nặn mụn.

Theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, xơ gan,… để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.

Hạn chế các thủ thuật, đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn, dự phòng chuẩn.

Không lạm dụng corticoid, dùng kháng sinh đúng chỉ định.

CNĐD: Lê Thị Hằng (Khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108)

CNĐD: Lê Thị Hằng

BẢN DESKTOP