Ngân hàng

“Nan giải” bài toán xử lý nợ xấu năm 2020

  • Tác giả : Minh Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020 là thời hạn cuối cùng để thực hiện nhiệm vụ “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án 1058). Tuy nhiên, mục tiêu đưa tổng nợ xấu (gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện biện pháp phân loại nợ) về dưới 3% trong năm nay là không khả thi.

Sau gần 5 năm thực hiện Đề án 1058, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã được kiểm soát, duy trì ở mức dưới 3% và giảm dần, năm 2016 là 2,46%; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 là 1,91% và năm 2019 là 1,63%.

Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đứt gãy. Khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế suy yếu. Khả năng thanh toán nợ của khách hàng cũng bị ảnh hưởng nhiều, đẩy nợ xấu tăng cao.

Trong nửa đầu năm 2020, nợ xấu nội bảng trong toàn hệ thống vẫn tăng 1,81% so với đầu năm. Riêng nhóm nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tăng mạnh 15,4%. Điều này cảnh báo, số nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) sẽ tăng cao vào cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, có gần 57.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý. Trong khi đó, năm 2019, toàn hệ thống TCTD xử lý được 160.000 tỷ đồng.

Theo nhiều chuyên gia, đến cuối năm 2020, mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD có thể lên tới 4%. Nếu tính gộp cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu tiềm ẩn khác, ước tính tổng nợ xấu của hệ thống TCTD cuối năm 2020 sẽ không dưới 6% trên tổng dư nợ.

Tính đến cuối năm 2019, tổng nợ xấu TCTD ở mức 4,59%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018.

Để xử lý nợ xấu hiệu quả, NHNN đang tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Đồng thời các TCTD thực hiện các biện pháp tự xử lý nợ xấu bằng cách đôn đốc khách hàng trả nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ theo cơ chế thị trường, sử dụng dự phòng rủi ro.

Đồng thời, các TCTD cần nâng cao năng lực quản trị nội bộ, đặc biệt là quản trị rủi ro và năng lực của cán bộ thẩm định tín dụng.

NHNN cũng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh. Gần nhất, NHNN đã đề xuất sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi nợ nhằm tiếp tục giảm áp lực nợ xấu.

Tuy nhiên, việc giảm áp lực nợ xấu này chỉ là biện pháp giảm đau trong ngắn hạn nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế chưa được phục hồi hoàn toàn. Nợ xấu sẽ không giảm hoàn toàn, mà chỉ là bị đẩy dồn cho tương lai.

Minh Lâm

BẢN DESKTOP