Thời sự

Nam thanh niên 19 tuổi ngừng tim, ngưng thở khi ngủ: Cách gì phòng tránh?

  • Tác giả : Thúy Nga
Có rất nhiều nguyên nhân gây ngừng tim, ngừng thở khi ngủ ở người trẻ nên cần nhận biết để phòng tránh đột tử.

Uống thuốc cảm, nam thanh niên ngừng, tim, ngừng thở khi ngủ

Ngày 10/4, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, đã kịp thời cứu sống nam thanh niên ngưng tim, ngưng thở ngoại viện do biến chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Trước đó, tối 3/4, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai tiếp nhận trường hợp anh N.T.P (19 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP. Biên Hoà) nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, trào nhiều bọt hồng qua mũi miệng.

Ngay lập tức, ekip trực đã tiến hành hồi sinh tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực, khoảng hơn 10 phút thì bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, thở máy, an thần và chống phù não.

Sau 1 ngày, anh P bắt đầu tỉnh lại, nhận ra được người thân, sau 2 ngày đã được ngưng thở máy, tri giác hồi phục hoàn toàn, không có di chứng, hiện đã được xuất viện về nhà.

Được biết, chiều cùng ngày vào viện, anh P có dấu hiệu bị cảm cúm nên đã được người nhà cho uống thuốc cảm mua tại tiệm thuốc tây. Sau khi uống thuốc, anh P đi ngủ khoảng 30 phút thì người nhà vào gọi dậy và phát hiện anh đã mất tri giác, thở khó, tím tái nên đã lập tức đưa tới bệnh viện cấp cứu.

BSCK1 Trần Đức Anh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - cho biết: Anh P ngưng tim, ngưng thở do biến chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ, đây là tình huống khá hiếm gặp.

Bệnh nhân còn rất trẻ, tuy nhiên có yếu tố nguy cơ cao là có thể trạng béo phì độ II và bản thân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nặng; kết hợp với việc trước đó bệnh nhân có sử dụng thuốc cảm cúm tự mua ở tiệm thuốc tây (có thể trong thuốc có loại thuốc kháng histamin gây tác dụng phụ là buồn ngủ) làm tăng nguy cơ đột tử.

Trường hợp này do người nhà đưa vào viện kịp thời, thời gian ngưng tim trước khi vào viện ngắn; quá trình hồi sinh tim phổi được thực hiện ngay lập tức và đạt hiệu quả cao, đảm bảo tưới máu não được duy trì trong thời gian tim chưa đập trở lại nên bệnh nhân hồi phục tốt, không để lại di chứng.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân trước khi xuất viện - Ảnh BVCCBác sĩ thăm khám bệnh nhân trước khi xuất viện - Ảnh BVCC

Nhiều yếu tố bệnh lý gây hội chứng ngừng thở khi ngủ

ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP.HCM, ngưng thở khi ngủ là hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến gây ra tình trạng ngừng thở thường xuyên trong khi ngủ. Hầu hết những người bị ngưng thở khi ngủ đều có các triệu chứng như ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày.

Ngưng thở khi ngủ có 3 dạng chính gồm ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) và ngưng thở khi ngủ hỗn hợp.

ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, dựa theo cơ chế gây ngừng thở khi ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ được chia thành 3 loại như sau.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Hiện tượng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng không khí. Nó được định nghĩa là khoảng thời gian ngưng thở hoặc giảm thở >10 giây, sau đó là kích thích và thở gấp.

Cơn ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là hội chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất. Bất cứ điều gì có thể thu hẹp đường thở như béo phì, amidan lớn hoặc thay đổi nồng độ hormone đều có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Trong đó, béo phì là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hội chứng này.

Các triệu chứng có thể bao gồm buồn ngủ quá mức vào ban ngày, bồn chồn, ngáy ngủ, tỉnh giấc thường xuyên và đau đầu vào buổi sáng. Chẩn đoán dựa trên việc theo dõi giấc ngủ và đa ký giấc ngủ.

Đối với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, phương pháp điều trị gồm thở oxy cao áp lực dương liên tục qua đường mũi (NCPAP), dụng cụ qua đường miệng, và trong các trường hợp kháng trị thì cần thực hiện phẫu thuật. Tiên lượng điều trị hội chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn rất khả quan.

Những bệnh nhân không được điều trị có nguy cơ bị tăng huyết áp, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác. Suy tim và chấn thương hoặc tử vong do tai nạn xe cơ giới và các tai nạn khác do chứng buồn ngủ quá mức cũng có thể xảy ra.

Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA): Hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra khi não không gửi tín hiệu cần thiết để thở. Tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến cách não kiểm soát đường thở và cơ ngực có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.

Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp: Là loại ngưng thở khi ngủ bao gồm cả hai loại trên.

Biết cách phòng tránh để tránh tử vong

Các triệu chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến nhịp thở bất thường vào ban đêm, cũng như rối loạn giấc ngủ vào ban ngày.

Các triệu chứng thường gặp của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm: Ngủ ngày quá nhiều;Ngáy to thường được ngắt quãng bởi tiếng thở hổn hển hoặc nghẹt thở; Nhức đầu vào buổi sáng có thể kéo dài vài giờ sau khi thức dậy; Khô miệng khi thức dậy; Hay thức giấc giữa đêm, ngủ không yên giấc; Tiểu đêm;Giảm tập trung.

Một số triệu chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn có thể không được nhận biết sớm. Ví dụ, tiếng thở bất thường và tiếng ngáy chỉ có thể khiến một người chú ý sau khi họ được người ngủ cạnh quan sát thấy.

Nhiều triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng có thể do các vấn đề sức khỏe khác gây ra. Vì vậy, không thể chẩn đoán tình trạng này dựa vào các triệu chứng.

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ trung ương: Các triệu chứng thường liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ trung tâm bao gồm:Kiểu thở bất thường, chẳng hạn như thở chậm lại, tăng tốc và tạm dừng trong khi ngủ;Ngủ ngày quá nhiều;Thức giấc vào ban đêm;Khó thở đột ngột hoặc đau ngực vào ban đêm;Khó tập trung;Nhức đầu buổi sáng.

Thông thường những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ trung ương không nhận thức được nhịp thở bất thường của họ trong khi ngủ trừ khi họ được người ngủ cùng giường cho biết.

Nguyên nhân gây gián đoạn hô hấp khác nhau giữa ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương.

Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Ở những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các cơ ở phía sau cổ họng thư giãn trong khi ngủ, thu hẹp không gian cho luồng không khí đi qua.

Tình trạng ngáy xảy ra khi đường thở bị thu hẹp và tắc nghẽn, không nhận đủ oxy. Việc thiếu oxy dẫn đến sự thức tỉnh một phần hoặc toàn bộ của não để khôi phục luồng không khí. Những sự gián đoạn hô hấp này xảy ra lặp đi lặp lại trong khi ngủ.

Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ trung ương: Ngưng thở khi ngủ trung ương phát sinh do các vấn đề về cách não giao tiếp với các cơ chịu trách nhiệm hô hấp. Đối với những người bị CSA, một phần của bộ não được gọi là thân não không nhận biết đúng mức carbon dioxide trong cơ thể trong khi ngủ. Điều này dẫn đến các đợt thở lặp đi lặp lại chậm hơn và nông hơn mức cần thiết.

Biến chứng ngừng thở khi ngủ: Nếu việc điều trị hiệu quả có thể ngăn ngừa hoặc giải quyết các biến chứng nghiêm trọng do ngưng thở khi ngủ. Ngược lại nếu tình trạng này không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.

Ngưng thở khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ kém còn làm giảm nồng độ oxy trong cơ thể.

Theo đó, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, có thể kể đến như:

Tai nạn giao thông do buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe;

Các bệnh tim mạch như huyết áp cao, đột quỵ, suy tim, bệnh tim và nhịp tim bất thường;

Rối loạn chuyển hóa bao gồm bệnh tiểu đường type 2;

Tăng huyết áp phổi gây căng thẳng quá mức cho tim;

Các vấn đề về tư duy như suy giảm trí nhớ và sự tập trung;

Rối loạn tâm trạng bao gồm cáu kỉnh và nguy cơ trầm cảm cao hơn;

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, là sự gia tăng chất béo tích tụ trong gan có thể góp phần gây tổn thương gan nghiêm trọng;

Tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến gây mê trong phẫu thuật.

Trong chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, các biến chứng có thể xảy ra phụ thuộc phần lớn vào bệnh lý nền gây ra rối loạn hô hấp.

Cách Phòng ngừa chứng ngừng thở lúc ngủ

Để phòng ngừa chứng ngưng thở khi ngủ, mỗi người cần điều chỉnh một số yếu tố sau đây:

- Kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, hoặc giảm cân nếu cân nặng vượt mức khuyến nghị;

-Thay đổi tư thế ngủ: Nếu một tư thế ngủ nào đó khiến bạn cảm thấy khó thở hoặc phát ra tiếng ngáy, hãy thử thay đổi để cải thiện tình trạng này;

-Bỏ thuốc lá: Các nghiên cứu đã chỉ ra thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ của chứng ngừng thở khi ngủ. Do vậy, không hút thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ gây bệnh này.

- Khám sức khỏe định kỳ: Những người có các yếu tố nguy cơ phát triển hội chứng ngưng thở khi ngủ như: tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ, độ tuổi từ 65, gặp các bệnh lý mũi họng… nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần để phòng ngừa bệnh.” - ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh khuyến nghị

Thúy Nga

BẢN DESKTOP