Khám phá

Nam Phương hoàng hậu: Còn lại là tình yêu

Vào buổi chiều tối ngày 15/9/1963, tại lâu đài Domain de la Perche, thuộc làng Chabrignac, vùng Trung Tây nước Pháp, Nam Phương hoàng hậu lặng lẽ qua đời. Năm ấy bà mới 49 tuổi.
Nam Phương hoàng hậu.

Nam Phương hoàng hậu.

Lúc bà mất, bên cạnh không có một người thân thiết nào, ngoài hai phụ nữ giúp việc. Căn bệnh tim mãn tính, thêm với trận cảm nắng tưởng chừng xoàng xĩnh, nhưng khiến bà không chống đỡ nổi trong khi chờ bác sĩ tới. Một cái chết ít ai ngờ tới, hay đó chính là định mệnh của vị hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn, cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. Một cuộc đời tưởng chừng thanh nhàn, êm ấm, nhưng cũng không ít sóng gió, hắt hiu và ra đi trong cô độc.

Nam Phương hoàng hậu là thứ nữ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, tức là cháu ngoại của đại phú hào Lê Phát Đạt, tục gọi là ông Huyện Sỹ. Theo tục lấy tên cha, bà có tên là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, và tên thánh là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan.

Tuy sinh ra ở Gò Công (Tiền Giang), nhưng hai chị em bà được gia đình cho lên Sài Gòn ăn học, sống trong căn biệt thự sang trọng trên đường Nguyễn Du, nơi cách nhà thờ Huyện Sỹ chỉ vài phút đi bộ. Gọi là nhà thờ Huyện Sỹ vì nhà thờ này được ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu hiến tặng rất nhiều tiền để xây dựng. Nay nhà thờ này vẫn còn. Và là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của Sài Gòn hôm nay.

Thuở nhỏ ở Gò Công, rồi cùng chị lên Sài Gòn ăn học, Nguyễn Hữu Thị Lan lúc nào cũng là một người thiếu nữ đằm thắm, ngoan hiền. Có thể nói cả thời trẻ cô chăm chú chuyện học hành. Năm 12 tuổi thì được gia đình gửi sang Pháp học trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux (Paris). Tháng 9/1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime.

Có tài liệu nói vua Bảo Đại cũng đi trên chuyến tàu đó, rồi tình cờ hai người gặp nhau. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng thực ra hai người đã biết nhau từ ngày còn học bên Pháp, chuyến trở về là một cơ duyên để thêm gắn kết, thắm tình. Cũng có nguồn tin cho rằng hai người gặp nhau tại Đà Lạt trong một dạ tiệc tại khách sạn La Palace do Toàn quyền Đông Dương tổ chức.

Không rõ sương mù Đà Lạt hay sương mù ký ức đã phủ lên cuộc tình của họ, chỉ biết rằng họ từng là những kẻ yêu trước khi thành chồng vợ.

Đọc cuốn Nam Phương hoàng hậu cuối cùng của Lý Nhân Phan Thứ Lang mới được phát hành, chúng ta cũng có thể thấy được rằng, vào thời ấy, những câu chuyện tình yêu của những người nổi tiếng, không phải lúc nào cũng ồn ào một cách chủ ý. Đặc biệt là với nữ giới.

Chậm rãi giữa những trang sách, chúng ta dễ nhận thấy “tâm trạng khi yêu” của Bảo Đại, còn về phía Nguyễn Hữu Thị Lan, chỉ có thể thấy những đường nét mờ ảo, ẩn khuất. Dường như, chưa bao giờ bà Nam Phương nói rõ tình yêu của mình với Bảo Đại, mà qua những ý tứ hé mở, chúng ta thấy đấy như là một định mệnh. Như chính lời bà nói, về sau này: “Việc này là do Chúa định, tôi biết làm sao được” (!)

Việc này, tức là việc bà đồng ý làm vợ vua Bảo Đại, khi hai người khác đạo, khi vị vua trẻ nổi tiếng là ham chơi và đào hoa. Và, mặc cho những ngăn cản, định kiến từ gia đình nhà trai, một đám cưới theo nghi thức mới cũng được cử hành vào ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế).

Năm đó, Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan vừa 20 tuổi. Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang thì những nguồn tin cũng như những tài liệu mà ông nắm được, cho biết Nguyễn Hữu Thị Lan đã chủ động đặt những thỏa thuận, mà chưa từng có trong cung đình.

Thứ nhất là giải tán tam cung lục viện, không còn chuyện năm thê bảy thiếp nữa. Thứ hai, hoàng đế phải tấn phong hoàng hậu sau khi cưới, chứ không phải được phong sau khi hoàng đế qua đời như xưa cũ. Thứ ba, con trai sinh ra phải được phong là thái tử. Đó là những thay đổi theo tinh thần văn minh, là ý thức mới của một người Tây học.

Tuy nhiên, có thể thấy việc tấn phong hoàng hậu, trước hết là tâm nguyện của Bảo Đại. Lúc này, ông còn rất yêu vợ và muốn làm một việc “chưa từng có trong triều đình”. Nam Phương hoàng hậu, tức “Hương thơm miền Nam” là danh hiệu mà Bảo Đại dành tặng cho người vợ của mình với biết bao cảm xúc thương yêu, tôn trọng.

Tuy đã dẹp bỏ “tam cung lục viện”, không còn cảnh “năm thê bảy thiếp”, nhưng Bảo Đại vẫn “thói đa tình”, sểnh ra khỏi nhà là có tình nhân.

Nam Phương hoàng hậu.

Bảo Đại là vị vua nổi tiếng đào hoa.

Cuộc tình công khai và nổi tiếng nhất của Bảo Đại sau khi có với Nam Phương hoàng hậu mấy mặt con, là cuộc tình với vũ nữ Lý Lệ Hà. Đây là thời gian mà Bảo Đại được mời ra Hà Nội trong vai trò Cố vấn tối cao của Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đọc Nam Phương hoàng hậu cuối cùng, chúng ta thấy được những cảm xúc rất thật của một người phụ nữ khi biết chồng mình ngoại tình. Chúng ta như run rẩy theo những cảm xúc của bà. Và, chúng ta thấy thương yêu, kính trọng bà nhiều hơn, khi đọc những dòng bà viết cho “tình địch”: “Em Lý Lệ Hà thân quý! Chị ở xa đức cựu hoàng mấy dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị, Nam Phương”.

Nội dung bức thư được cho là viết vào tháng 3/1946 khi Bảo Đại sang Trung Quốc rồi sang Hong Kong cùng Lý Lệ Hà. “Chị trọn kiếp nhớ ơn em”, có lẽ cũng là trọn kiếp không quên chuyện này (!)

Nam Phương hoàng hậu cuối cùng, là điều mà Nam Phương có nghĩ tới chăng? Có lẽ là bà chưa từng nghĩ đến. Đầu tiên hay là cuối cùng thì bà cũng chỉ có một người yêu, một người chồng là ông Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại.

Là một hoàng hậu, bà từng nghĩ là do Chúa định. Là một người vợ, sau Cách mạng tháng Tám, bà từng định ra Hà Nội cùng chồng, nhưng rồi ngại chính phủ lo phiền, ngại chồng bị gò bó, bà cam chịu một mình cùng các con ở cung An Định. Là một người từng đứng giữa ngã ba đường, bà vẫn một lòng lo lắng cho con, nghĩ tới tương lai của chúng. Là những tháng ngày cô độc ở nước Pháp, mà vẫn giữ hình ảnh đẹp với một tinh thần sống đẹp.

Hình ảnh của Nam Phương hoàng hậu, thật đúng với tinh thần câu thơ mà thi sĩ Tản Đà đã phóng bút tặng bà vào năm 1938.

“Cung duy mẫu đức nghi thiên hạ

Lạc đồ tiên nhân giáng tự trần”

(Đức độ của quốc mẫu thực xứng đáng làm gương cho thiên hạ

Vui mừng được thấy tiên đã giáng xuống cõi trần)

Như thế đó, Nam Phương hoàng hậu, qua hết thảy những đắng cay, cuối cùng còn lại là cái đẹp và tình yêu chân thành.

Mai Nguyễn (tổng hợp)

BẢN DESKTOP