Dọc đường

Nam Ô đã chết!

a biển lên núi lánh nạn, đưa biển xuống hầm trú ẩn, đó là nỗ lực đến tuyệt vọng của những yêu Đà Nẵng, muốn giữ lại chút hồn cốt muối mặn ông cha đã ngàn đời gửi vào biển. Nhưng còn cả quần thể di tích lịch sử và thiên tạo Nam Ô – cửa ô linh thiêng phía Nam của Đại Việt từ 700 năm trước, nay biết cất giấu vào đâu, khi tất cả đã được bán để xẻ thịt xây lên những resort, biệt thự, khách sạn 5 sao, nhà hàng quán bar…?!

Dù đã cố nén dằn tâm thế từ trước để một lần nữa chạy về vĩnh biệt Nam Ô, nhưng buổi trưa ấy một mình đứng giữa bờ biển mênh mông nắng ngổn ngang gạch nát, nhà tan, tôi đã bưng mặt khóc. Hơn nửa thế kỷ sương gió sống làm người, chưa có nỗi đau nào quặn thắt bóp nghẹt tâm can đến thế. Những lăng, những dinh những miếu còn lại trơ khấc bị quây giữa hàng rào sắt lạnh lẽo cao ngất của dự án, như bóng tiền nhân bị trói ngồi gục đầu trên cát và gạch vụn.

Ngôi mộ cá Ông còn mới phía trước lăng Ông Nam Ô.

Nam Ô là ngôi làng chài cổ bậc nhất xứ Đàng Trong với biết bao di tích, di chỉ văn hóa, lịch sử Việt-Chăm thiêng liêng mang chứa, che chở tâm thức của những người đầu tiên vượt Ải Vân mở cõi. “Ô châu ác địa” cũng là đây. Nhưng dải đất dải biển này đã ngàn đời hiền hòa nuôi dưỡng, chở che dân lành, nào có dữ dằn chi. Sao phải đón cái hậu vận đớn đau hiểm ác đến vậy!

Ngồi kế bên Lăng Ông, dinh Âm hồn đội nắng trưa một mình cặm cụi ngồi nhặt nhạnh đống gạch từ ngôi nhà đã bị đập giải tỏa, ông lão Nam Ô 80 tuổi tên là Lê Sự không buồn gạt những giọt mồ hôi tuôn dài trên mặt. Gương mặt với những nhát chém đầy trầm tích thời gian điển hình cho sự lao lung và thuần phác của người nơi đây. Tôi ngồi bệt xuống đống gạch vỡ, lặng nghe ông lão kể về những phúc phận trầm luân nơi xứ này.

Nghe kể về bao địa danh thân thương, những mỏm Hạc, hòn Phụng, hòn Quy, Cồn Trò, rạn Cả, rạn Con, Cu Đê, rú Cấm, xóm Đình, xóm Lăng… Nghe kể về bao câu chuyện linh ứng từ đền đình, miếu mạo cho đến tấc cát, tảng đá, bụi cây. Rằng, dinh miếu nơi này linh thiêng lắm.

Bao đời rồi, không chỉ làng này, mà các làng khác, hồi xưa mỗi lúc có người đau ốm là đội lễ vật đến dinh, đến miếu để cầu xin. Vì thời xa xưa cả vùng chỉ có mỗi một ông lang thuốc Bắc, làm gì có bác sĩ, thuốc men. Rằng, bà con làng chài chúng tôi bao đời nay ra biển đánh bắt bình an là nhờ có Ông Ngư phù trợ. Trong lăng giờ đang thờ hàng chục bộ cốt của Ngư Ông từ trăm năm nay rồi…

Người dân Nam Ô bức xúc tự phá rào của dự án resort để được ra biển.

Cả làng bao đời nay đã gìn giữ từng viên đá, nhành cây không để suy suyển một chút nào. Vì biết ơn núi, ơn rừng, gành đá đã che chở cho dân làng như cha mẹ che chở cho con cái vậy… Lâu lâu, lại có kẻ không biết được ai cấp phép đã mang tàu mang cẩu đến khai thác đá ở ghềnh, lập tức bị cả làng ào ra xua đuổi dữ dội. Bởi với người làng Nam Ô này, đến một viên đá nhỏ dùng để buộc vào giàn lưới mành đánh cá, cũng phải ra ngoài biển lặn mò vớt lên mà dùng… Tôi chợt nghe trong lời kể của cụ Sự đang dâng lên nước mắt.

Tôi vào thăm dinh Âm hồn, lăng Ông, lặng lẽ thắp hương lên tất cả những ban thờ. Vừa qua rằm tháng Giêng, ngày cả làng làm lễ lớn cúng Ông Ngư, cờ quạt và những bó nhang còn nguyên, tươi mới. Người làng kể, dinh Âm hồn Nam Ô xưa vốn là miếu Âm linh lập nên để tưởng nhớ những tử sĩ trận vong sau những trận chiến cảm tử chống Pháp kể từ 1858. Hai đồn  Nam Ô, Cu Đê của quân lính triều đình và dân binh địa phương sau đó thất thủ, hàng ngàn nghĩa sĩ bỏ mình nơi vịnh biển này. Miếu sau đó được mở rộng để thờ hương linh thập loại chúng sinh của các chư phái, tộc họ trong làng…

Bước sang lăng Ông, tôi bất ngờ bắt gặp một nấm mộ lớn đắp bằng cát, phía trên đầu có bát nhang còn khá mới. Một tảng đá xám được đặt lên thay cho bia mộ, có lẽ được lấy xuống từ mỏm Hạc trước mặt. Sực nhớ chuyện với cụ Sự khi nãy. Rằng cá Ông khi lụy vào bờ, được dân làng trang trọng làm tang. Và cũng như với con người, sau 3 năm an táng, di cốt của Ông sẽ được dân làng bốc lên đưa vào lăng để thờ phụng. Chắc hẳn dưới nấm mộ đặc biệt này đang là một Ông Ngư xấu số…

Người Chăm kể cũng lạ, từ thời thuở nào đã và vẫn luôn là những nghệ sĩ. Cả với những chiếc giếng vuông vức xếp dựng bằng đá tảng bên trong khắc đục như tác phẩm nghệ thuật không lẫn vào đâu được nơi vịnh Nam Ô này. Những giếng Đình, giếng Lăng, giếng Cồn Trò… cấp nguồn nước mát lành vô tận không chỉ cho dân làng, mà cho cả những đội thuyền buôn mỗi khi cập bến. Và những dinh những miếu kế bên là nơi nương náu, gửi gắm phần hồn cho những khách thương hồ dừng chân sau những chuyến hải hành đầy bão tố.

Dấu tích miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa trên mũi Hạc Nam Ô.

Nước giếng Lăng bây giờ vẫn trong vắt nhìn thấy đáy. Nhìn bên cạnh là xác chiếc thuyền cá đã bị xả bản nằm chơ vơ trên đống gạch vỡ, đôi con mắt thuyền mở to dõi ra biển, tôi nhớ đến góc “Ký ức làng chài” trên núi Sơn Trà của Đoàn Huy Giao. Rồi nhớ tới những cát trắng, những thuyền những thúng, lưới chài, mái chèo trong căn hầm dưới lòng đất Thọ Quang của Mỹ Dũng.

Đoàn Huy Giao là đạo diễn truyền hình, nhà thơ, còn Mỹ Dũng là nghệ sỹ nhiếp ảnh. Ngày làng chài Nam Thọ bên vịnh Sơn Trà, một trong những làng chài cổ xưa nhất xứ Đàng Trong này bị “tuyệt diệt” vì đô thị hóa, thi sĩ họ Đoàn cũng đã khóc. Rồi ông lang thang nhặt nhạnh xác những con thuyền đánh cá loại nhỏ bị phá bỏ (xả bản) theo chủ trương của thành phố, gom hết mang lên núi.

Để sắp đặt chúng bên cạnh những manh lưới, chum vại của ngư dân Nam Thọ. Thành một góc ký ức đầy đớn đau. Mỹ Dũng cũng không khác gì, chàng nghệ sỹ lớn lên trên bến cát Thọ Quang hơn nửa đời người bỗng ngơ ngác khi nhận ra biển xưa đã mất. Biển của hồn cốt văn hóa, lịch sử và tâm linh cha ông đã mất trong cơn lốc xâm lấn của resort, khách sạn, cao ốc… Để cũng lần mò đào hầm cất giữ chút di vật biển, trong nỗi day dứt hoài niệm.

Thanh Khê, Nại Hiên Đông, Nam Thọ, Mân Quang, Tân Thái, Tân Trà, An Tân, An Đồn…, những làng chài cổ xưa của Đà Nẵng đã chết. Hoặc đang bị bỏ mặc để ngắc ngoải chen lấn giữa cao ốc, khách sạn… Như những con thuyền cũ bị xả bản, chỉ còn chưa đưa “xác” ra ngoài. Phía Đông thành phố, toàn bộ resort đã che kín mấy chục cây số đường biển về Hội An.

Khách sạn, condotel thi nhau vươn tới trời bê tông hóa chồng lấn che kín bãi biển. Phía Tây là đường biển Nguyễn Tất Thành, đoạn đầu đã bị đổ cát lấn biển làm khu đô thị quốc tế Đa Phước, vốn từng mang cái tên mỹ miều “Vầng trăng khuyết”.

Đoạn cuối là vịnh Nam Ô rộng đến hơn 36 héc ta nay thành phố này cũng đã bán trọn cho Công ty Trung Thủy từ Sài Gòn ra làm dự án Lancaster Nam Ô Resort để dời làng dời dân dời miếu mạo lấp đầy bằng resort, biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar… Chủ đầu tư lập tức dựng hàng rào sắt thép dài 5-6 cây số để “vây” làng. Đến nỗi lãnh đạo quận sở tại vừa phải ngỏ lời “xin” nhà đầu tư mở cho một con đường rộng…4 mét để cho dân xuống biển (!?)

Còn đoạn giữa của tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đến lượt ai sẽ lấp biển “thôn tính” tiếp?!

Ông lão làng Nam Ô Lê Sự chỉ tay về Dinh miếu linh thiêng của làng nay cũng sắp thành gạch vụn.

Hiện ra bên lối mòn nhỏ trong khu rừng cấm nơi mỏm Hạc này vẫn là góc miếu thờ đổ nát ấy. Như từ gần hai chục năm trước tôi đã gặp. Những bô lão làng Nam Ô gọi đây là miếu Bà, bị bão đánh sập từ hàng trăm năm trước. Nhưng ráp nối lại các cứ liệu tìm thấy và tình tiết trong lịch sử, thì đây có thể xác nhận rằng chính là miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa. Hơn 700 năm trước công chúa nhà Trần đã gạt lệ xuống thuyền làm dâu Chiêm quốc, đổi lấy hai châu Ô, Rý mở mang bờ cõi Đại Việt.

Rồi biến thiên lịch sử, đời người, Huyền Trân đã cùng danh tướng Trần Khắc Chung thoát khỏi thành Đồ Bàn vượt thuyền về lại Thăng Long. Trên đường gặp gió lớn phải neo lại nhiều ngày nơi làng chài nhỏ dưới chân Hải Vân này. Dân vạn chài Nam Ô đã dựng miếu thờ vọng người phụ nữ đã có công mở mang bờ cõi. Người dân nơi đây từ lâu đã quen thuộc với tên tuổi của bà. “Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình” (Sấm mây xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, bồn chồn nhớ nước, kiên gan chờ nuốt cả kình ngư). Văn tế lễ cúng giỗ tiền hiền làng Nam Ô hàng năm vào 24/6 âm lịch, vẫn còn nghe vậy.

Khuất lấp sau bức tường sắt thép của dự án xây resort Nam Ô là miếu Bà Liễu Hạnh. Ngôi miếu linh thiêng bao đời chở che phần hồn của làng nay cũng sắp phải đập bỏ, di dời. Gần đó là ngôi chùa Ba Sơn tự. Ông Dương Bòng nhà đối diện miếu, thở dài, bảo ngày 20/2 âm lịch tới đây là lễ cúng Bà. Năm nào cũng vậy, cả làng đổ về, đông lắm. Năm nay chưa biết buồn vui sao đây…

Tôi chợt lạnh người. Có lẽ lễ cúng này là lần cuối người Nam Ô được hưởng hơi ấm thực sự từ tổ tiên. Để rồi mai mốt, người ta sẽ xây mới những đình làng, lăng Ông, dinh Âm hồn khang trang, kiên cố và lạnh ngắt phía xa tít đâu đó bên kia con đường nhựa nháo nhào xe cộ, chen chúc với những tòa chung cư, nhà cao tầng, quán nhậu, karaoke…?!! Còn như mũi Hạc này với dấu tích huyền sử về Huyền Trân, người ta sẽ “nhét” vào đâu, hay sẽ khuất lấp dưới nền những tòa biệt thự?

Tôi về. Vẫn thấy ông cụ Sự còn ngồi đó. Lần nữa nhìn đống gạch tan nát quanh chỗ ông lão Nam Ô, để hình dung rất nhanh, rằng những miếu đền rêu phong linh thiêng kia một ngày sẽ thành đống gạch vụn chen cùng cỏ rác.

Nam Ô. Nam Mô…

Vĩnh biệt !

Theo Trần Tuấn (Tiền phong)

BẢN DESKTOP