Khoa học & Công nghệ

Năm nay rét đậm đến muộn

Theo các dự báo mới nhất, từ nay tới cuối năm còn khoảng 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta. Ngoài ra, mùa đông sẽ rét nếu so với 3 mùa đông liên tiếp ấm gần đây và rét đậm xuất hiện muộn.

Khắp nơi thừa nước

Nhận xét về đợt mưa, bão, lũ liên miên trong thời gian vừa qua, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, năm nay có một điểm rất đặc biệt là mưa rất nhiều, ngay cả khu vực Ninh Thuận, nơi rất khan nước trong mấy năm qua cũng không thiếu nước trong năm nay.

Chính mưa nhiều, liên tục làm các hồ chứa đầy nước, đất đá bị bão hoà nước, độ dính kết giảm… khiến sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ bùn đá càng nghiêm trọng; đặc biệt vào cuối mùa mưa như đã xảy ra ở Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình.

Mùa đông này sẽ rét nếu so với 3 mùa đông liên tiếp ấm gần đây và rét đậm xuất hiện muộn.

Cùng với mưa, bão năm nay cũng xuất hiện rất nhiều. Năm 2013 là năm bão nhiều kỷ lục với 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có 2 cơn bão rất mạnh và 1 siêu bão); thì năm nay, tính tới thời điểm này đã có 14 cơn bão và ATNĐ trên biển Đông, trong đó có tới 3 cơn bão (số 1, số 3 và số 10 là cơn bão rất mạnh) và 2 ATNĐ (ngày 25/9 và 10/10) đổ bộ vào Việt Nam.

Không chỉ nhiều bão, điểm khá đặc biệt là năm nay, ngoại trừ ATNĐ xuất hiện vào ngày 25/9 đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng, thì cả 3 cơn bão và 1 ATNĐ (ngày 10/10) đều tập trung vào một khu vực là bắc miền Trung (ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình).

Nguyên nhân của mưa bão dồn dập, liên tiếp có liên quan đến sự xuất hiện của hiện tượng La Nina yếu đang tái xuất trở lại sau ba năm liên tiếp (2014 – 2016) xuất hiện El Nino.

Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của đợt La Nina yếu này, dự báo từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực giữa và nam biển Đông, trong số đó có khoảng 2 cơn bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung Bộ, Nam Bộ.

Sẽ rét, nhưng rét đậm đến muộn

Ông Lê Thanh Hải cho biết, đợt mưa kèm lạnh đang xuất hiện ở Bắc Bộ chỉ là đợt mưa thu đặc trưng của mùa thu chứ không phải là đợt rét đầu tiên của mùa đông. Mùa đông được tính cho 3 tháng (tháng 12, tháng 1 và tháng 2), còn hiện giờ mới đang là tháng 10, tháng chính thu nên chưa phải là rét đầu đông như nhiều người nhầm tưởng. Cái rét đang diễn ra chỉ rét rất ngắn do mưa thu và gió mùa đông bắc.

Bão số 10 trong tháng 9 và ATNĐ trong đầu tháng 10 đã gây nhiều thiệt hại do gió mạnh và mưa lũ lớn trên diện rộng. Trên các sông tại Bắc Bộ đã xuất hiện nhiều đợt lũ, nguồn nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm; các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện 04 đợt lũ, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra ở Thanh Hóa. Sóng lớn đã quan trắc được tại đảo Hòn Ngư là 6,0m do ảnh hưởng của bão số 10 trong tháng 9/2017.

Tuy nhiên, các dự báo đều cho thấy, mùa đông năm nay sẽ là 1 mùa đông “rét” nếu so với 3 mùa đông ấm liên tiếp gần đây.

Theo các mô hình dự báo, các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng xuất hiện muộn hơn so với trung bình. Thông thường, đợt rét đậm đầu tiên của năm sẽ xuất hiện vào dịp Noel. Tuy nhiên, năm nay, đợt rét đậm đầu tiên sẽ xuất hiện sau Noel.

Tuy xuất hiện muộn, song các dự báo cho thấy, rét đậm, rét hại sẽ khá nhiều, tập trung chủ yếu vào tháng 1 – 2/2018. Như vậy, tháng Chạp rét vừa phải, còn Giêng – Hai sẽ rét thật sự. Mỗi đợt rét dự báo có thể kéo dài từ 7 – 10 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc mùa đông đặc trưng của Bắc Bộ sẽ tái xuất trở lại sau 3 năm liên tiếp gần như “mất mùa” rét.

Huy Khánh

BẢN DESKTOP