Trong nước

“Nằm lòng” kỹ năng thoát hiểm khi cháy chung cư

  • Tác giả : Hoàng Minh (tổng hợp)
Những kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy chung cư là thứ cần thuộc lòng với bất cứ ai để có thể giúp mình và người thân thoát khỏi đám cháy.
Thống kê cho thấy, trong các vụ hoả hoạn xảy ra, hầu hết nguyên nhân tử vong là ngạt khí do hít nhiều khói. Vì thế, việc trang bị kỹ năng thoát hiểm khi cháy chung cư là điều thực sự cần thiết dể bản thân mỗi người có thể tự cứu mình cũng như giúp đỡ người xung quanh.
Khi phát hiện có cháy
Người phát hiện đám cháy phải thật bình tĩnh, tìm giải pháp “dập lửa, thoát hiểm” bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy. Trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, cần nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm.
Cùng với đó cần lập tức ấn chuông báo động toà nhà, hô hào thông báo cho mọi người biết có cháy trên đường thoát hiểm; gọi 114 thông báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Xác định vị trí cháy để cân nhắc chạy lên hay chạy xuống
Cần xác định khói phát ra từ hướng nào để cân nhắc chạy lên tầng cao nhất hay chạy xuống tầng 1, cố gắng tránh xa đám cháy càng sớm càng tốt.
Nếu khói từ trên cao, nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới.
Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, tìm cách di chuyển ngược lên tầng thượng. Nhiều tòa nhà luôn khóa cửa ở tầng thượng thì không nên di chuyển lên trên vì nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên.
Bên cạnh đó, cần chú ý xem đang chạy tới tầng bao nhiêu khi sử dụng thang thoát hiểm. Ttrường hợp xấu nhất, không thể tự thoát ra ngoài thì có thể thông báo được chính xác vị trí nơi mình đang đứng, giúp cứu hộ tìm thấy sớm nhất.
Không dùng thang máy khi xảy ra hoả hoạn
“Nam long” ky nang thoat hiem khi chay chung cu
Tuyệt đối không dùng thang máy khi xảy ra hoả hoạn. Ảnh minh hoạ
Thang máy là nơi cực kỳ nguy hiểm khi có đám cháy xảy ra. Lý do là tất cả nơi xảy ra cháy đều được ngắt điện hoàn toàn để đề phòng sự lây lan.
Việc ngắt nguồn điện cũng hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Thang máy lại cần điện để hoạt động vì vậy tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra cháy.
Luôn nắm rõ sơ đồ toà nhà
Hãy luôn nhớ rõ sơ đồ toà nhà và nằm lòng những hướng có thể thoát hiểm như vị trị cầu thang, cửa thoát hiểm để có thể đến nơi an toàn sớm nhất. Bởi khi xảy ra cháy chúng ta dễ mất bình tĩnh, nên việc nắm rõ nơi có thể chạy thoát rất cần thiết.
Khói có thể gây khó nhìn mọi đồ vật nên việc học và nhớ các cách ra khỏi nhà là rất quan trọng.
Khi dọn vào ở một chung cư, điều đầu tiên cần biết là có bao nhiêu lối thoát hiểm? Làm thế nào để đi tới những lối thoát hiểm đó?
Cân nhắc trước khi mở cửa ra vào
Trước khi mở cửa thoát ra, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở – mặt kia của cánh cửa đang cháy. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân.
Trường hợp cháy lớn xảy ra ngay ngoài hành lang tầng nhà mình, hay ở yên trong nhà, chặn mọi khe hở tại cửa với khăn ướt, tránh khói độc vào nhà.
Trường hợp, nếu không nhìn thấy khói và cánh cửa không nóng, dùng mu bàn tay nhẹ nhàng chạm vào quả đấm cửa. Nếu quả đấm cửa nóng hoặc rất ấm, không mở cửa. Nếu quả đấm cửa mát, và không nhìn thấy khói quanh cửa, thì có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận.
Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên, hay có khói xông vào phòng, hãy đóng cửa thật nhanh và đảm bảo nó đã được đóng chặt. Nếu không có khói hay lửa khi bạn mở cửa, hãy tiến thẳng đến cửa thoát hiểm.
Luôn ở vị trí thấp
Nếu thấy có khói trong nhà, hãy giữ cơ thể mình ở vị trí thấp gần sàn khi tìm đường thoát hiểm. Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị ngất hơn bị thiêu cháy bởi lửa.
“Nam long” ky nang thoat hiem khi chay chung cu-Hinh-2
Giữ cơ thể mình ở vị trí thấp gần sàn. Ảnh minh hoạ
Theo tự nhiên, khói bay lên cao, vì thế bạn sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể ở gần sát nền nhà. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.
Che mũi và miệng
Đừng quên che mũi và miệng lại vì có thể ngất xỉu khi hít quá nhiều khói. Có thể làm ướt một miếng vải hoặc một chiếc khăn để che mũi và miệng. Nếu ở tầng trên và ngọn lửa bên ngoài đã lớn, có thể đặt những miếng vải ướt dưới chân cánh cửa đóng kín để ngăn khói lan rộng.
Sau đó, tìm lối thoát khác, ví dụ như cửa sổ, để thoát ra khỏi phòng.
Nằm và lăn
Trường hợp quần áo bị bắt lửa, hãy nằm xuống đất và lăn qua lăn lại để dập lửa. Đồng thời che miệng và mặt khi thực hiện việc này. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng đầu và tóc của bạn không bắt lửa. Sau đó, hãy tiếp tục tìm cách thoát hiểm.
Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 114. Có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất.
Bên cạnh nắm vững kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, Cảnh sát còn khuyến cáo người dân trang bị phương tiện, thiết bị PCCC tại chung cư, nhà cao tầng như: hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo cháy, bình chữa cháy, dây thừng, thang dây, dây thoát hiểm...
Hoàng Minh (tổng hợp)

BẢN DESKTOP