Khoa học & Công nghệ

Nấm độc phá hủy tế bào gan khủng khiếp thế nào?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân sau khi ăn 1 mũ nấm độc, gan sẽ bị nhiễm độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan

Ngày 4/4, theo thông tin Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Sùng Diêu Hồng (52 tuổi, ở Hà Giang) – nạn nhân cuối cùng trong gia đình gồm 4 người bị ngộ độc nấm – đã tỉnh táo, tiếp xúc được.

Theo các bác sỹ, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định được bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không.

Bệnh nhân Sùng Diêu Hồng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Ăn 1 mũ nấm, tế bào gan bị phá hủy

Trước đó, vào ngày 28/3 tại thôn Khâu Mèng thuộc xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ông Sùng Diêu Hồng (sinh năm 1966) là chủ hộ đã đi hái nấm về nấu ăn sáng cho cả gia đình gồm 4 người cùng ăn.

Sau đó, 3 người thân khác của bệnh nhân đã tử vong trước đó do tình trạng ngộ độc nấm quá nặng.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Chống độc cho hay, bệnh nhân Sùng Diêu Hùng được chuyển đến Trung tâm vào ngày thứ 5 sau khi ăn nấm độc, trong tình trạng còn đau bụng, huyết áp, mạch ổn định, tuy nhiên xét nghiệm vẫn có rối loạn cô đặc máu, men gan tăng cao.

Bên cạnh việc điều trị tích cực cho bệnh nhân, Trung tâm Chống độc cũng phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật “Dẫn lưu mật mũi” với mục tiêu để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài.

Đây là một thủ thuật rất mới có nhiều ý nghĩa trong điều trị thải độc được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng – hy vọng góp phần cứu sống bệnh nhân.

Hiện bệnh nhân tỉnh táo, có thể tiếp xúc được, song theo các bác sỹ, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định được bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không.

Bác sỹ Dũng cho hay, loại nấm mà bốn người trong gia đình ông Hồng ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người.

Người dân sau khi ăn chỉ 1 mũ nấm, gan sẽ bị nhiễm độc phá huỷ tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.

Bệnh nhân ngộ độc loại nấm trên có các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ). Bệnh nhân có các biểu hiện như buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.

Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu…) và cuối cùng tử vong.

Không hái nấm dại để ăn

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, bắt đầu vào mùa nấm phát triển nhiều, hay xảy ra ngộ độc nấm. Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc.

Hình ảnh của loại nấm độc tán trắng.

Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn.

Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc.

Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người.

Vì vậy, để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, đảm bảo là ăn được mà không bị ngộ độc. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc.

Theo các chuyên gia, các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ cao, độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy. Có loại nấm độc mà động vật ăn thử không bị ngộ độc nhưng khi con người ăn vào vẫn có thể bị ngộ độc như thường.

Với trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc, nên gây nôn bằng cách lấy bàn chải chà sâu bề mặt lưỡi, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời./.

Theo Thùy Giang – Mai Thanh (Vietnam+)

BẢN DESKTOP