Môi trường

Nam Định: Sau 2 năm dừng hoạt động vì xả thải, làng quê vẫn chịu cảnh ô nhiễm

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Tháng 10/2017, Sở TN&MT Nam Định yêu cầu một công ty chuyên sản xuất giấy tái sinh, giấy ráp, tái chế giấy bao bì carton tại xã Xuân Bắc (Xuân Trường – Nam Định) dừng hoạt động vì xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Dừng quy hoạch do thiếu vốn

Sau khi có yêu cầu của các cấp ngành chức năng tỉnh Nam Định, doanh nghiệp này chấp hành ngừng hoạt động. Từ đó đến nay đã gần 2 năm, nhưng hậu quả ô nhiễm mà đơn vị này gây ra tại địa phương đến nay vẫn còn rất rõ rệt. Đó là bài học không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và quản lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Xã Xuân Bắc có làng nghề chế biến lâm sản, quy mô tuy không lớn nhưng lại khá nổi tiếng với các sản phẩm tinh xảo. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo các vấn đề về môi trường, năm 2014 cụm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Xuân Bắc được thành lập thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản, đồ gỗ mỹ nghệ, cơ khí… tạo việc làm cho người lao động.

Sau đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, địa phương lại có quy hoạch mới mở rộng 4ha cụm công nghiệp. Nhưng ngay sau đó, quy hoạch bị dừng lại với lý do không có vốn.

Xã Xuân Bắc không có nhiều quỹ đất, khu tập trung sản xuất chế biến gỗ chật hẹp và chủ yếu các doanh nghiệp nằm dọc theo trục đường liên xã. Vì thế, nạn khói bụi, ô nhiễm phát sinh cao. Đặc biệt, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và mùi thối bốc lên từ những ao đầm ngâm ủ tre luồng… khiến không khí ngột ngạt, gây bức xúc trong dư luận.

Nhà máy của công ty Mạnh Chí giữa khu dân cư (ảnh nhân dân cung cấp).

Nhà máy của công ty Mạnh Chí giữa khu dân cư (ảnh nhân dân cung cấp).

10 năm kêu cứu

Hơn 10 năm trước, gia đình bà Trần Thị Nh là một trong hàng trăm hộ dân ở địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ vấn nạn ô nhiễm môi trường mà công ty Mạnh Chí - cơ sở chuyên sản xuất giấy tái sinh, giấy ráp, tái chế giấy bao bì carton đã xả thải trái phép ra môi trường.

Bà Nh và người dân địa phương cho biết, do xưởng sản xuất giấy của công ty Mạnh Chí nằm ở đầu xóm 2 là điểm giáp ranh với các xóm khác trong xã nên không chỉ người dân xóm 2 bị ảnh hưởng mà những xóm khác cũng phải sống chung cảnh ô nhiễm.

“Trước khi thành lập cụm công nghiệp, cũng có các đánh giá tác động môi trường nhưng không thực hiện được. Vấn đề công ty Mạnh Chí xả thải thì cũng đã bị xử lý. Hàng năm các cơ quan chức năng vẫn về địa phương xem xét chứ không quan trắc kỹ vấn đề môi trường”, ông Đỗ Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc.

Mỗi khi công ty Mạnh Chí xả thải là tất cả các hộ dân đều phải đóng kín cửa không dám đi ra ngoài, người già và trẻ nhỏ chỉ biết ngồi ở trong nhà chịu đựng. Suốt 10 năm, người dân phải sống trong cảnh không chạy đâu cho hết thối . Cũng trong khoảng thời gian ấy, người dân gửi đơn đi cầu cứu các cơ quan chức năng.

Người dân xã Xuân Bắc làm đơn kêu cứu các nơi hàng chục năm ròng.

Người dân xã Xuân Bắc làm đơn kêu cứu các nơi hàng chục năm ròng.

Có một điều mà đến tận bây giờ, người dân không thể hiểu là vì sao một công ty sản xuất xả thải độc hại không qua xử lý rành rành như vậy lại được đặt trong khu dân cư đông đúc. Trong suốt thời gian 10 năm mà công ty này hoạt động, ở địa phương đã có nhiều người chết vì ung thư. Tất nhiên, người ta không hoàn toàn đổ lỗi cho phía công ty nhưng người dân cũng có quyền đặt ra câu hỏi liệu ung thư có liên quan gì đến vấn nạn ô nhiễm tại địa phương?

Sau nhiều lần người dân xã Xuân Bắc kiến nghị cũng như làm đơn khiếu nại lên chính quyền và cơ quan chức năng về vấn đề gây ô nhiễm do công ty Mạnh Chí gây ra nhưng đều không được giải quyết. Thậm chí, tại một cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND xã Xuân Bắc với, đại diện HĐND còn cho rằng đây là vấn đề “muôn thuở”.

Mãi cho đến cuối năm 2017, sau quá nhiều kiến nghị và đơn kêu cứu của người dân, Sở TN&MT Nam Định vào cuộc lấy các mẫu chất thải kiểm tra. Sau đó, chính quyền tỉnh Nam Định yêu cầu công ty Mạnh Chí dừng hoạt động.

Con mương ô nhiễm cạnh một trường học xã Xuân Bắc.

Con mương ô nhiễm cạnh một trường học xã Xuân Bắc.

Hậu quả còn mãi

Cho đến nay, sau gần 2 năm công ty Mạnh Chí dừng hoạt động và chuyển cơ sở sản xuất đi nơi khác. Nhưng những tồn dư trong suốt hàng chục năm xả thải ra môi trường đã để lại những hậu quả không thể cân đo đong đếm.

Cụ thể, theo người dân địa phương tại các con mương xung quanh cơ sở sản xuất của công ty Mạnh Chí nước vẫn còn đen và đóng váng. Thậm chí, khi người ta dùng cuốc xẻng khuấy xuống lòng mương thì các chất cặn bã từ nghề tái chế giấy nổi lên thối um cả một vùng.

Tre luồng xếp cả ra đường liên xã bốc mùi thối do quá trình ngâm ủ dưới nước.

Tre luồng xếp cả ra đường liên xã bốc mùi thối do quá trình ngâm ủ dưới nước.

Những diện tích đất lúa xung quanh các con mương này cũng bị nhiễm độc. Sau các đợt làm màu, cấy lúa, bón phân đạm thì nông dân đều bị mẩn ngứa hoặc các bệnh ngoài da. Còn số lượng người ung thư, thì người dân cũng không dám kết luận do môi trường ô nhiễm hay do một nguyên nhân nào khác.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn xã Xuân Bắc nạn ô nhiễm môi trường vẫn còn là một vấn đề rất nóng. Trên con đường liên xã đi qua cụm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, mùi hôi thối từ quá trình ngâm ủ tre nứa cùng với mùi nước thối lâu ngày bốc lên rất khó chịu.

Trong các con mương, màu nước đen đóng váng tanh tưởi bốc lên càng nặng nề hơn sau những ngày trời nắng nóng. Đặc biệt phải kể đến con mương ngay cạnh một trường học, khiến cho thầy cô giáo và học sinh thường xuyên phải bịt mũi mỗi khi trời trở gió.

Theo tìm hiểu, các cơ sở chế biến lâm sản tại xã Xuân Bắc không có đơn vị nào đảm bảo các tiêu chí môi trường – điều này được ông Đỗ Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc xác nhận. Nhiều doanh nghiệp đem sản phẩm gỗ ra ngoài đường thực hiện các phương pháp đánh bóng bằng hóa chất, gây độc hại cho môi trường xung quanh và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tại Xuân Bắc không đáp ứng tiêu chí môi trường.

Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tại Xuân Bắc không đáp ứng tiêu chí môi trường.

Còn toàn bộ lượng nước thải trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp đều “tuồn” hết xuống cống ngầm thoát ra con mương chung của xã Xuân Bắc. Lượng nước thải này ra sông, vào động ruộng và gây ô nhiễm nguồn nước tại địa phương.

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Ngọc lại cho rằng: Nguồn nước thải của ngành chế chế biến lâm sản không đáng là bao. Đồng thời, ông Ngọc cũng thừa nhận cụm công nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất không có trạm xử lý nước thải nên phải thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.

“Đúng là có chuyện người dân xã Xuân Bắc khiếu nại kéo dài liên quan đến công ty Mạnh Chí xả thải gây ô nhiễm. Các cơ quan cũng đã vào cuộc, doanh nghiệp cũng đã dừng, tuy nhiên chưa giải tỏa cơ sở. Ở Xuân Bắc lượng nước thải không nhiều, nhưng chắc chắn là vẫn gây ô nhiễm”, ông Ngô Doãn Dự, Trưởng phòng TN&MT huyện Xuân Trường.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP