Y học và đời sống

Năm 2024: Việt Nam có khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới

  • Tác giả : Thúy Nga
Xu hướng bệnh ung thư tăng nhanh. Ước tính trong năm 2024, Việt Nam có khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, với gần 140.000 ca tử vong. Trong khi con số mắc mới vào năm 2000 chỉ là gần 69.000, năm 2010 là khoảng 127.000.

Đó là chia sẻ của GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương bên lề thỏa thuận hợp tác: Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng điều trị bệnh ung thư giữa Công ty Sandoz và Bệnh viện K”, diễn ra tại bệnh viện K ngày 12/6.

Nhiều yếu tố gây bệnh

Mỗi năm Việt Nam có hơn 190.000 ca bệnh ung thư mới, và hơn 120.000 người tử vong vì bệnh này. Bệnh ung thư là căn bệnh không lây nhiễm gây chết người đứng hàng thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau bệnh tim mạch.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa bệnh viện K và CTy Sandoz

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa bệnh viện K và CTy Sandoz

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết, xu hướng chung của Việt Nam và thế giới là đều gia tăng số ca mắc ung thư. Ước tính con số mắc ung thư mới tại nước ta trong năm nay là khoảng 200.000 ca, số tử vong là gần 140.000, trong khi trước đó là 180.000 ca mắc mới, hơn 120.000 ca tử vong.

GS.TS Lê Văn Quảng phát biểu tại lễ ký kết

GS.TS Lê Văn Quảng phát biểu tại lễ ký kết

Theo GS.TS Quảng, có nhiều lý do giải thích cho xu hướng này:

Thứ nhất, là dân số tăng lên, khi đó nhiều bệnh sẽ tăng lên chứ không chỉ bệnh ung thư.

Thứ 2, là tuổi thọ tăng lên, tuổi càng cao thì càng có nguy cơ mắc ung thư.

Thứ 3, là ý thức của người dân tăng lên. Người dân quan tâm sức khỏe nhiều hơn, chủ động đi khám, tầm soát, nhờ đó, nhiều người phát hiện sớm ung thư.

Thứ 4, là sự phát triển của phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện sớm ung thư.

Thứ 5, còn phải kể đến yếu tố môi trường (ô nhiễm nước, không khí), thói quen ăn uống không hợp lý…

Đây thực sự là gánh nặng, thách thức cho công tác phòng chống ung thư, thậm chí gánh nặng về kinh tế, chi phí cho xã hội.

Thuốc sinh học có giá trị rất lớn trong điều trị

“Bệnh nhân ung thư đã nghèo, bệnh lại hiểm, thuốc điều trị lại đắt quá, nên bệnh nhân khó theo việc điều trị. Vì thế, việc ra đời các thuốc sinh học tương tự góp phần giảm chi phí điều trị rất lớn, người bệnh có cơ hội được tiếp cận thuốc, kéo dài cuộc sống của mình hơn”, GS.TS Quảng nói.

Ngày nay các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới luôn có các sản phẩm mới giúp kết quả điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao, trong đó có các thuốc sinh học tương tự. Chẳng hạn, một liệu trình điều trị thuốc đích có giá 32 triệu thì với thuốc sinh học tương tự chỉ còn 8 triệu, giảm 4-5 lần trong khi hiệu quả gần như tương đương nhau.

“Cùng với số tiền đấy thay vì 1.000 bệnh nhân được sử dụng thuốc thì giờ là hàng nghìn. Giá thuốc rẻ hơn tạo điều kiện cho nhiều người bệnh được tiếp cận thuốc tốt với giá hợp lý”, GS.TS Quảng cho biết thêm.

Ông Charaf Eddine Kadri, Tổng giám đốc, Sandoz Việt Nam phát biểu

Ông Charaf Eddine Kadri, Tổng giám đốc, Sandoz Việt Nam phát biểu

Sandoz là một trong những công ty dược phẩm dẫn đầu về điều trị bệnh ung thư trong suốt nhiều năm qua. Ông Charaf Eddine Kadri, Tổng giám đốc, Sandoz Việt Nam cam kết dẫn đầu về khả năng mang dược phẩm tiếp cận bệnh nhân, thông qua các loại thuốc tên gốc và thuốc sinh học tương tự điều trị các bệnh về ung thư, nhiễm khuẩn, và nhiều chuyên khoa trị liệu khác.

“Trên năm triệu bệnh nhân Việt Nam đang sử dụng sản phẩm của Sandoz mỗi năm, trong đó có nhiều ca bệnh ung thư được chữa trị bằng dược phẩm của Sandoz tại hệ thống bệnh viện công trên toàn quốc.” - Ông Charaf Eddine Kadri cho biết thêm

GS.TS Quảng cho biết, lễ ký kết biên bản ghi nhớ lần này nhằm nâng cao chất lượng quản lý trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Sự hợp tác với các hãng dược phẩm hàng đầu giúp các bác sĩ của Việt Nam cập nhật kiến thức điều trị. Đồng thời, các bác sĩ trẻ có cơ hội tham gia hội nghị khoa học trong và ngoài nước để chia sẻ kiến thức về thực hành lâm sàng.

“Mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp Sandoz tài trợ và hỗ trợ thông tin, tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành cho các bác sĩ Bệnh viện K cũng như trên toàn Miền Bắc. Thông qua đó, các bác sĩ, chuyên gia y tế có thể thảo luận và phát triển những phương án phòng ngừa và điều trị ung thư cho bệnh nhân,” ông Kadri bổ sung.

Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng với khoa học ngày nay, 1/3 có thể phòng được, 1/3 có thể chữa khỏi (ở giai đoạn sớm), 1/3 có thể kéo dài cuộc sống (ở giai đoạn muộn). Cần áp dụng các biện pháp phòng, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng phương pháp.

Ở các nước có nền y tế phát triển đã khỏi trên 50% bệnh nhân ung thư nhờ phát hiện sớm. Ở nước ta tỉ lệ khỏi bệnh còn thấp do phần lớn người bệnh được phát hiện muộn. Nhiều người bệnh tin cách chữa phản khoa học, "lang băm", mê tín dị đoan... đến khi bệnh quá nặng mới tới bệnh viện.

Thực tế không phải "bệnh ung thư đồng nghĩa với cái chết", trên 80% bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Giới chuyên môn xác định những người đã được điều trị thành công bệnh ung thư và không có bệnh tái phát trở lại trong vòng 5 năm được coi là điều trị khỏi.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP