Dữ liệu y khoa

Năm 2020: Lượt khám chữa bệnh giảm, Bảo hiểm Y tế lại sợ TPHCM vượt dự toán

  • Tác giả : Khánh Phương
(khoahocdoisong.vn) - Do dịch bệnh Covid-19, số lượt khám, chữa bệnh trong 9 tháng đầu năm 2020 các các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM giảm rõ rệt so với cùng kỳ, nhưng Bảo hiểm Y tế đang sợ 2020 vượt dự toán là 1.300 tỷ đồng.

Tiếp tục vượt dự toán chi trong năm 2020

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, về số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú: 9 tháng đầu năm 2020, cả thành phố có hơn 26 triệu lượt khám, giảm hơn 10 triệu lượt so với cùng kỳ (giảm 28,2%), trong đó: khối các bệnh viện bộ ngành giảm 17,8%, khối bệnh viện thành phố giảm 24,9%, khối bệnh viện quận, huyện giảm 17,2%, khối bệnh viện tư giảm 18,3%. Phòng khám đa khoa tư vẫn tiếp tục giảm hơn 50%, số lượt khám tại các phòng khám của trung tâm y tế và trạm y tế giảm 34,1%.

Bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh tại TPHCM không chỉ là bệnh nặng, được chuyển viện, mà còn là nhóm bệnh nhân ngoại trú. (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh tại TPHCM không chỉ là bệnh nặng, được chuyển viện, mà còn là nhóm bệnh nhân ngoại trú. (Ảnh minh họa)

9 tháng đầu năm 2020, cả thành phố có hơn 1,5 triệu lượt điều trị nội trú, giảm hơn 300 nghìn lượt so với cùng kỳ (giảm 18,8%), trong đó: khối bệnh viện bộ, ngành giảm 18,9%; khối bệnh viện thành phố giảm 21,8%; khối bệnh viện quận, huyện giảm 18,6%; khối bệnh viện tư giảm thấp nhất là 6%.

Đó là nhận định từ Tổ Bảo hiểm Y tế của Sở Y tế TPHCM khi đánh giá tình hình Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (KCB BHYT) 6 tháng đầu năm 2020 của các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam xem xét và có kế hoạch bổ sung dự toán chi KCB BHYT cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong năm 2020, Sở Y tế yêu cầu mỗi bệnh viện cần phải chủ động rà soát và triển khai ngay giải pháp can thiệp phù hợp.

Trong tháng 9 vừa qua, Tổ BHYT thuộc Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với Cơ quan BHXH TPHCM sơ kết đánh giá tình hình KCB BHYT trên địa bàn thành phố. Tuy số lượt KCB BHYT giảm 12,4% so với cùng kỳ nhưng tổng chi 6 tháng đầu năm đã chiếm 48% tổng dự toán chi cho năm 2020, BHXH thành phố dự báo năm 2020 toàn thành phố sẽ vượt dự toán chi được giao là 1.300 tỷ đồng.

Theo báo cáo, đã có 20 bệnh viện vượt 50% tổng dự toán chi, trong đó có cả bệnh viện bộ, ngành, bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và nhất là các bệnh viện tư nhân. 3 bệnh viện có tổng chi phí KCB BHYT cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 là: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Thống Nhất, trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy có chi phí KCB BHYT cao nhất (1.550.477,16 triệu đồng).

 Theo nhận định của Tổ BHYT Sở Y tế, số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh KCB BHYT đến thành phố chiếm 20% tổng lượt khám nhưng đã chiếm gần 49% tổng chi phí KCB BHYT. Việc bệnh nhân ngoại tỉnh đến KCB nhiều đã ảnh hưởng đến việc cân đối dự toán chi BHYT của thành phố do không còn chuyển quỹ KCB BHYT từ các tỉnh về thành phố như trước. Đây chính là khó khăn lớn nhất cho các giám đốc bệnh viện trong việc quản lý và điều hành dự toán chi KCB BHYT được giao.

Càng phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, càng thu hút bệnh nhân ngoại tỉnh

Đặc biệt, tình trạng bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh tại TPHCM không chỉ tập trung ở các bệnh viện tuyến cuối (thường là bệnh nặng, được chuyển viện, chủ yếu là điều trị nội trú), mà còn xảy ra ở các bệnh viện đa khoa khu vực và bệnh viện quận, huyện cùng bệnh viện tư nhân (thường là bệnh không nặng, chủ yếu KCB ngoại trú).

Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, thay đổi phong cách phục vụ góp phần tạo niềm tin và thu hút người dân đến KCB BHYT tại nhiều bệnh viện tuyến quận huyện tại TPHCM. (Ảnh minh họa)

Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, thay đổi phong cách phục vụ góp phần tạo niềm tin và thu hút người dân đến KCB BHYT tại nhiều bệnh viện tuyến quận huyện tại TPHCM. (Ảnh minh họa)

Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến trung ương và tuyến thành phố có số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh đến KCB BHYT cao là: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân Dân 115, Viện Tim, Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tuy nhiên, để giảm số bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các tỉnh đối với các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố đòi hỏi phải có thời gian và quan trọng hơn hết là đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh, do vậy, trước mắt, xem xét bổ sung giao dự toán chi cho các bệnh viện nhóm này là một giải pháp hợp lý.

Trong khi đó, các bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tư nhân và bệnh viện quân đội có số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh đến KCB BHYT cao là: Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa Khu vựcV Thủ Đức, Bệnh viện Quân Dân Y miền Đông, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện Xuyên Á.

Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, thay đổi phong cách phục vụ góp phần tạo niềm tin và thu hút người dân đến KCB BHYT (liên thông tuyến huyện). Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, nếu vì lý do thu hút đông người bệnh đến khám ngoại trú (nhóm bệnh không nặng) có khả năng sẽ gây ra tình trạng vượt dự toán chi, ảnh hưởng đến hoạt động KCB nội trú là điều cần các bệnh viện xem xét và có giải pháp điều chỉnh.

Khánh Phương

BẢN DESKTOP