Khám phá

Mỳ chùm ngây, gạo lứt: Khó biết có bổ dưỡng hơn không

Các loại mì chùm ngây, bún chùm ngây, mì gao lứt, có màu xanh, tím của nguyên liệu… thu hút khá đông sự quan tâm của khách hàng.

Các loại mì, bánh phở, bún được làm từ gạo với lá chùm ngây, hay gao lứt, có màu xanh, tím của nguyên liệu… thu hút khá đông sự quan tâm của khách hàng. Theo các chuyên gia, việc chứng minh hoạt chất có trong mỳ là rất khó. Do đó, người mua nếu có lòng tin thì dùng, còn việc khẳng định nó có bổ dưỡng hơn mì thường không là khó.

Sản phẩm mì chùm ngây

Ăn thay rau

Những sản phẩm bún, mì, phở chùm ngây, gạo lứt trên thị trường hiện khá phong phú, với nhiều hãng sản xuất khác nhau. Theo quảng cáo của một đơn vị sản xuất bún chùm ngây thì bún là sự kết hợp hoàn hảo giữa bột chùm ngây và bột gạo, cùng với hương liệu tự nhiên, không có chất bảo quản.

“Đối với những trẻ em ngại ăn rau, bún chùm ngây sẽ là một sản phẩm tuyệt vời cho các bé. Để sử dụng sản phẩm được ngon hơn, bạn có thể nấu cùng với thịt băm, nước hầm xương, khi ăn kèm với rau thơm, chanh ớt. Nên ăn vào bữa trưa để có thể hấp thụ tốt nhất các dưỡng chất cho cơ thể”.

Ngoài ra, sản phẩm còn quảng cáo bún chùm ngây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm lượng cholesteron trong máu nhờ chất Betasitostelron giúp ngăn chặn các cholesteron xấu, hoạt động như một tác nhân kháng viêm trong cơ thể.

Giúp chống lại bệnh tiểu đường, chlorogelic giúp các tế bào hấp thụ hay tự đào thải lượng đường khi cần thiết. Giảm viêm nhiễm nhờ các amino acid cùng các dưỡng chất thực vật carotenoid cũng giống như ở cà chua và cà rốt nhưng hàm lượng cao hơn rất nhiều lần…

Liệu bún, mỳ, phở chùm ngây, gạo lứt có còn tồn tại hoạt chất nguyên sơ ban đầu? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm cho biết, để chứng minh hoạt chất thì cần đến phòng thí nghiệm. Bằng mắt thường không thể nhận biết được hoạt chất có còn không.

Đến như rau chùm ngây có hoạt chất gì, tốt cho sức khỏe thế nào cũng chưa có công trình khoa học nào chứng minh đầy đủ. Hay gạo lứt, không phải tốt với tất cả mọi người, mà chỉ những người mà cơ thể có nhu cầu với các hoạt chất đó thì mới tốt. Do đó, việc mua, sử dụng bún, mỳ, phở chùm ngây, gạo lứt dựa trên… lòng tin hơn là dưỡng chất.

“Nếu bạn tin trong đó có nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe, nhiều dưỡng chất cơ thể bạn cần thì cứ việc sử dụng. Còn khẳng định nó có thực sự nhiều dưỡng chất không, nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe hay không, thì không thể dựa trên quảng cáo của nhà sản xuất mà phải được minh chứng trong phòng thí nghiệm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Không thể thay thế rau

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, giống như thực phẩm chức năng, chứng minh tính năng của nó rất khó, nhưng người dùng chắc chắn sẽ không bị ngộ độc hay bị các triệu chứng ngộ độc gì. Vấn đề chỉ là bổ dưỡng hay không mà thôi.

Mà điều này nhiều khi lại phụ thuộc vào tâm lý của người dùng. Nghĩ rằng nó quý hiếm, bổ dưỡng, thì tự nhiên ăn sẽ thấy ngon, ăn vào sẽ thấy khỏe. Rau quả nói chung, khi chế biến càng kỹ thì hoạt chất càng mất đi. Việc chế biến bún, mỳ trải qua khá nhiều công đoạn, hoạt chất còn lại bao nhiêu là một dấu hỏi.

“Có một điều nguy hiểm mà các nhà quảng cáo đưa ra là có thể cho trẻ em lười ăn rau ăn bún, mỳ chùm ngây thay thế. Điều này là rất phản khoa học. Rau quả không chỉ cung cấp vitamin mà còn là chất xơ để tiêu hóa thức ăn, tốt cho nhu động ruột.

Việc ăn các loại rau quả nghiền nhuyễn đã là không tốt, huống hồ là chỉ ăn tinh chất của lá rau, mà còn chưa biết có phải tinh chất rau thật không, hoạt chất còn lại là bao nhiêu thì rất nguy hiểm. Các bậc phụ huynh không nên tin vào quảng cáo để áp dụng cho con mình, sẽ vô tình làm hại con”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu muốn ăn rau chùm ngây thì tốt hơn cả là mua rau về ăn. Hay muốn ăn gạo lứt thì nấu cơm gạo lứt lên ăn. Sẽ có tác dụng tốt hơn nhiều là ăn các loại mỳ, bún, phở có thành phần là rau chùm ngây hay gạo lứt. Nếu cần đổi món thì có thể chế biến nhiều cách khác nhau.

“Có đơn vị quảng cáo bún chùm ngây ngon gấp 30-40 lần bún thường. Thực ra đó chỉ là chiêu quảng cáo. Hương vị ngon hay không là do chế biến như thế nào, kết hợp với nguyên liệu nào”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP