Doanh nghiệp

Mỹ áp thuế nhôm, thép: Phản ứng mạnh mẽ

Chính sách thuế với nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ bị hàng loạt quốc gia chỉ trích, ngay cả các doanh nghiệp Mỹ cũng không hài lòng.

Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.

Quyết định này của Mỹ sẽ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành, tức là vào ngày 23/3 tới đây.

Khi công bố áp thuế mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Canada và Mexico sẽ được loại ra khỏi danh sách bị áp thuế, các nước khác thì có thể đàm phán để giảm mức thuế.

áp thuế

Chính sách thuế với nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới và của chính doanh nghiệp Mỹ

Động thái trên được dự báo có thể khơi mào hàng loạt cuộc chiến thương mại trên thế giới trong tương lai, đồng thời gây thiệt hại cho chính các nhà sản xuất và người dân Mỹ. Bởi thế, ngay lập tức, nó vấp phải sự phản đối trong chính giới Mỹ cũng như nhiều nước và tổ chức trên thế giới.

Thiệt hại cho chính nước Mỹ

Một số tổ chức thương mại trong nước Mỹ cho rằng mức thuế mới sẽ đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lên cao và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại trên diện rộng.

Hiệp hội khách hàng công nghệ đại diện cho 2.200 công ty cho rằng số người mất việc làm vì chính sách này có lẽ sẽ còn cao hơn cả số người tìm thêm được cơ hội tuyển dụng như lời Tổng thống Trump khẳng định.

Các doanh nghiệp chế tạo ôtô sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi đây là lĩnh vực tiêu thụ tới 38% nhôm và 15% thép trên toàn quốc.

Chính sách thuế với nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới và của chính doanh nghiệp Mỹ.

Liên minh các nhà sản xuất ôtô Mỹ cảnh báo những mức thuế mới sẽ khiến giá thép sản xuất trong nước tăng cao, đẩy giá thành các loại phương tiện lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng. Ngành sản xuất bia cũng được cho là phải lãnh một phần hậu quả.

Đại diện cho những nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới ước tính thuế nhập khẩu nhôm tăng 10% sẽ khiến hầu hết các công ty bia tăng giá thành với tổng mức tăng khoảng 348 triệu USD hàng năm và đe dọa khoản 20.000 việc làm trong ngành sản xuất này.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội các lãnh đạo ngành bán lẻ Hun Quach cho rằng ảnh hưởng của chính sách thuế mới có thể vươn tới cả những ngành mà nhiều người không ngờ tới như nội thất và đèn trang trí.

Hiệp hội bán lẻ quốc gia (NRF) đại diện nhiều chuỗi cửa hàng, rau củ và nhiều nhà bán lẻ trên toàn thế giới cho rằng đây là mức thuế giáng vào toàn thể người dân Mỹ, khi người tiêu dùng chưa kịp hân hoan vì những biện pháp cải cách thuế mới thì lập tức đã phải đối mặt với nguy cơ giá cả sản phẩm leo thang vì chi phí sản xuất tăng.

Các hiệp hội thương mại nhà ở cũng không khỏi băn khoăn khi cho rằng các mức thuế nhập khẩu này sẽ đẩy chi phí lên cao, kìm hãm sự phát triển trong thời điểm quốc gia này đối mặt mới cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở trầm trọng.

Lo ngại và chỉ trích

Ngày 9/3, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, trong đó bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của sắc lệnh áp thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm mà người đứng đầu Nhà Trắng vừa ký ban hành.

Tuyên bố từ Phủ Tổng thống Argentina cho biết, trong cuộc điện đàm Tổng thống Trump cam kết sẽ xem xét đề nghị của Tổng thống Macri về việc đưa Argentina vào danh sách miễn trừ khỏi các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.

Trước đó, khi gần như chắc chắn Tổng thống Trump sẽ thông qua quyết định áp thuế mới với thép và nhôm, Bộ Ngoại giao và Bộ Sản xuất Argentina đã gửi công hàm tới Bộ Thương mại Mỹ trình bày lý do vì sao Argentina cần phải được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế trên.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire bày tỏ: “Pháp lấy làm tiếc với thông báo của ông Donald Trump về thuế với thép và nhôm. Trong cuộc chiến thương mại, sẽ chỉ có những kẻ thua cuộc. Cùng với các đối tác EU, chúng tôi sẽ đánh giá những hậu quả đối với các ngành công nghiệp của chúng tôi và nhất trí biện pháp đáp trả thích đáng”.

Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmstrom kêu gọi Mỹ miễn thuế cho khối này hoặc phải đối mặt với thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của Mỹ như bơ đậu phộng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox chỉ trích Mỹ vì đã có cách tiếp cận sai lầm đối với thặng dư thép trên thị trường toàn cầu.

“Quan điểm của chúng tôi là, có, chúng tôi có thể giải quyết từ nhiều khía cạnh đối với thép dư thừa, nhưng đây là một cách sai lầm. Chủ nghĩa bảo hộ, thuế quan không bao giờ thực sự hiệu quả”, Bộ trưởng Liam Fox nói.

Bốn hiệp hội công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn tại Đức gồm DIHK, BDA, BDI và ZDH đã cùng lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ mang màu sắc bảo hộ và kêu gọi chính phủ nước này cũng như EU duy trì cam kết tôn trọng tự do thương mại.

Tại châu Á, trong tuyên bố ngày 9/3, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ phản đối quyết định nêu trên của Mỹ, đồng thời cho biết sẽ đánh giá các thiệt hại và “kiên quyết bảo vệ những lợi ích và quyền lợi hợp pháp” của nước này. Bộ trên cảnh báo mức áp thuế mới sẽ “tác động nghiêm trọng tới trật tự thương mại quốc tế thông thường”.

Các Hiệp hội thép và kim loại của Trung Quốc cũng đã kêu gọi chính phủ nước này đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thép không gỉ, than đá, nông sản và đồ điện tử.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Hàn Quốc cho rằng mức áp thuế cao hơn đối với thép và nhôm sẽ khiến chi phí sản xuất của 2 hãng sản xuất ôtô Hyundai và Kia tăng, gây bất lợi cho các nhà sản xuất Hàn Quốc trước các đối thủ từ Mỹ.

Quan chức trên còn cảnh báo việc Mỹ nâng mức áp thuế sẽ tác động tới tiến trình tái đàm phán thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn đang diễn ra. Chính phủ Hàn Quốc cũng để ngỏ khả năng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiện Hàn Quốc cùng với Nhật Bản và Australia đang tìm kiếm sự miễn trừ trong chính sách nâng mức áp thuế của Mỹ đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Trong đó, Australia tỏ ra khá lạc quan về khả năng được miễn trừ trong kế hoạch này của Mỹ.

Phát biểu họp báo tại thủ đô Sydney, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bác khả năng các sản phẩm thép của nước này bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ. Australia chủ yếu xuất khẩu quặng sắt và chỉ xuất khẩu rất ít thép, và Mỹ không phải là bạn hàng lớn của quốc gia châu Đại Dương này.

Đề nghị đưa Việt Nam ra khỏi danh sách bị áp thuế

Đối với Việt Nam, ngày 9/3, Bộ Công thương đã phát đi thông cáo tiếp tục khẳng định quan điểm cho rằng các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ nhằm mục đích sử dụng là xây dựng dân dụng không phải xây dựng cơ sở hạ tầng hay an ninh quốc phòng và không không cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Mỹ.

“Lượng nhất khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỉ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ, do đó không thể gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất thép và nhôm của Mỹ”, Bộ Công thương khẳng định.

Theo Bộ Công thương, chính sách này của Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng của Mỹ và các ngành công nghiệp sử dụng các sản phẩm thép và nhôm là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

“Trên cơ sở các nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua, Bộ Công thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét, cân nhắc loại trừ các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam ra khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp do các sản phẩm này không ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ”, Bộ Công thương đề nghị.

Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc và cân nhắc tất cả các phương án xử lý tiếp theo để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo An Nhiên (Đất Việt)

BẢN DESKTOP