Dọc đường

Mưu sinh ở bãi rác “tử thần”

Mặt mũi đen nhẻm ám mùi rác rưởi, bàn tay chai sạn, nhằng nhịt vết sẹo, bà Viện từ từ lân la con dao vào tận đáy đống phế liệu.

Mỗi lần “mót” được miếng đồng li ti đôi mắt người đàn bà 52 tuổi bừng sáng như vừa thấy được sự sống trên chính sự chết chóc của bãi rác đến gần thôi đã khó thể hít thở.

Bãi tập kết rác sinh hoạt thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) nằm sát hai thôn Thụy Lôi, Văn Điềm (Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Nhiều hộ gia đình buôn bán phế liệu thường xuyên đốt dây diện để lấy lõi đồng thay vì “xẻ thịt” dây điện.

Mưu sinh ở bãi rác

Bãi rác tử thần âm ỉ “nhả” khói độc, đây là nơi mang lại nguồn thu nhập chính của bà Viện. Ảnh: QUỐC QUÂN

Mặc dù, người dân biết việc đốt dây điện gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn bất chấp tính mạng.

Ăn theo những đám cháy tử thần nhiều lao động người địa phương kế bên có nghề nhặt vụn sắt trang trải cuộc sống.

Sống trên cái chết

5h00 sáng, bà H.T.Viện đạp xe hơn 10 cây số từ nhà đến bãi rác tử thần, đào xới đống tro tàn cháy từ đêm hôm trước với hy vọng mót được ít đồng vụn.

Khói đen, mùi khét, ruồi bọ, mùi hôi thối từ xác động vật… tất cả hoàn quyện với nhau tạo nên thứ không khí ngột ngạt, đặc quánh như thách thức những con người gan dạ, can trường nhất.

Ấy vậy mà ngày ngày, những người phụ nữ nhỏ bé, gầy guộc như bà Viện và những “đồng nghiệp” của bà vẫn có mặt ở đây để kiếm những đồng tiền lẻ trang trải cho cuộc sống.

Khi được hỏi sao bà Viện không chọn nghề khác kiếm sống, bà Viện nói: “Cách đây hai năm, tôi có vay tiền ngân hàng để mở quán bán hàng khô.

Nhưng lãi được vài chục nghìn một ngày cũng chẳng đủ tiền trả lãi ngân hàng, tiền bán hàng có bao nhiêu lại quay vòng vào hàng họ.

Nhiều người mua chịu nhà tôi nên việc bán hàng tưởng dễ kiếm mà chẳng kiếm được”.

Vụ mùa, bà Viện đi cấy thuê, phun thuốc trừ cỏ mướn, ai gọi đi cắt cỏ hay tát nước bà cũng tranh thủ kiếm thêm lấy tiền trang trải.

Hết vụ, bà Viện thất nghiệp nên đi theo chị Ngọc (cùng làng) mót đồng vụn tại các bãi rác.

Ngày nào may mắn bà kiếm được hơn một trăm nghìn, còn ngày ít nhất chỉ kiếm được đôi ba chục.

Bãi rác tử thần ngày ngày âm ỉ “nhả” khói độc nhưng lại âm thầm là nguồn thu nhập cho nhiều người dân nhặt vụn đồng.

Chị Ngọc kể lại: “Nhà tôi nghèo, hai vợ chồng đi làm chẳng đủ tiền nuôi ba đứa con ăn học.

Nhưng nhà bà Viện đã nghèo lại khó, bà là người chăm nhất trong tốp người đi mót.

Tháng có 30 ngày bà đi đủ cả 30 ngày, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà Viện luôn có mặt ở đây sớm nhất.

Chúng tôi thường về nhà ăn cơm còn bà ấy ở lại cũng chỉ ăn tạm củ khoai, cái ngô và uống nước lọc.

Bà ấy chịu khó lắm, ngày nào cũng mân mê đến ba, bốn giờ chiều”.

Không phải ai cũng chịu được mùi nhựa cháy, rác rưởi ở đây như bà Viện, hầu hết những người vào đây được vài ngày cũng quyết định tìm bãi rác khác.

Có khi số đồng, sắt vụn nhặt được ở đây gấp ba, gấp bốn lần bãi khác nhưng ít ai bám trụ lâu ngày.

“Biết độc, biết chết nhưng không còn cách nào khác cháu ạ. Mình không đi làm thì cả nhà chết đói. Mình còn sống, mình còn làm” – bà Viện rơm rớm nói.

Những cột khói đen kịt vẫn ngày ngày hòa vào bầu không khí của những ngôi làng lân cận, cũng từ đây bệnh tật của những người dân xung quanh ngày một nhiều.

Ung thư là căn bệnh không hiếm gặp ở vùng quê này. Cũng đúng thôi khi hằng ngày phải ngửi thứ khói nhựa chứa bao nhiêu chất độc hóa học như thế.

Nhiều hộ gia đình ở Thụy Lâm ứng phó với tình hình bằng cách bịt kín các ô thoáng, nguồn nước mặc dù đã khoan giếng đá sâu hàng trăm mét nhưng vẫn phải đầu tư máy lọc.

Ấy vậy, những người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó ấy đơn độc với chiếc khẩu trang mỏng manh chiến đấu với vô vàn khói bụi độc hại.

“Cá chuối đắm đuối vì con”

Người ta có câu, phận đàn bà lấy chồng như một canh bạc, ai may mắn thì lấy được người chồng tử tế, giỏi làm ăn, yêu thương vợ con.

Còn người thiếu may mắn thì ở cái bãi rác này ở đây có đủ. Chị thì chồng ốm đau không làm ăn gì được, có chị thì chồng rượu chè, cờ bạc.

Mỗi người mỗi thân phận riêng nhưng không vì thế họ lại bỏ gia đình bởi họ còn có những đứa con, và họ sống vì chúng.

Bà Viện kết hôn với ông C – một người mang bệnh hen mãn tính, ốm yếu quanh năm.

Ông C là người hiền lành, thương vợ sớm tối tần tảo nhưng lực bất tòng tâm. Sức khỏe yếu khiến ông không thể là bờ vai cho bà Viện và các con dựa vào.

Ở cái tuổi của ông bà Viện đáng nhẽ đã được hưởng sung sướng, được con cái phụng dưỡng.

Nhưng ông trời như thử thách lòng người, có 4 người con nhưng không ai có thể lo cho cuộc sống tuổi già của ông bà Viện mà ngược lại ông bà vẫn phải lo cho chúng. Âu cũng đúng “con dại cái mang”.

Người con cả của bà Viện (SN 1986) đã có vợ và hai con, cuộc sống gia đình anh cũng chẳng dư giả gì nên cũng không lo được gì cho bố mẹ.

Tiền học, tiền bỉm sữa cho các cháu cũng là một gánh nặng lớn đối với gia đình anh.

Người con thứ hai tên Tân (SN 1988) đã đi tù cách đây 5 năm. Khi ấy,Tân cùng với 6 người bạn của mình đã tham gia một vụ ẩu đả khiến một người tử vong.

Trước vành móng ngựa, bà Viện bẽ bàng khi nghe tòa tuyên án 18 năm cho người con trai thứ hai của mình. Tin ấy như sét đánh ngang tai với bà.

Bà Viện thương anh Tân nhất, vì anh thương mẹ và sống rất tình cảm.

Vậy là đã 5 năm kể từ khi Tân lĩnh án, bà Viện chỉ dặn dò Tân ở trại cải tạo thật tốt và gia đình vẫn luôn ngóng con chở về.

Bấy lâu nay, bà vẫn kiếm tiền để chu cấp cho con của người thiệt mạng 400 nghìn đồng/tháng cho đến khi cháu 18 tuổi.

Mỗi tháng bà Viện còn gửi 1,5 triệu đồng cho Tân trong tù để sinh hoạt.

Số tiền không hề nhỏ với bà, nhưng may sao ông trời cho bà sức khỏe để bà cố đến tận bây giờ, không tháng nào bà gửi thiếu tiền cho con trai và con của người đã thiệt mạng kia.

Người con thứ 3 của bà Viện là một người con gái đảm đang nết na. Thật không may, chị lấy phải một người chồng suốt ngày chỉ lo đến rượu chè, cờ bạc.

Khi gả chị đi bà Viện yên tâm rằng mình sẽ không phải lo gì cho chị nữa, chị sẽ yên phận bên nhà chồng.

Nhưng người tính không bằng trời tính, đến giờ bà Viện vẫn phải lo đến tiền sữa cho mấy đứa cháu ngoại của mình.

Con gái bà vì yêu chồng, thương con nên vẫn không thể dứt bỏ anh ta để tìm một bến bờ hạnh phúc khác.

Người con út của bà (SN 1993) là đứa mà bà Viện khổ tâm nhất.

Thanh niên sức dài vai rộng nhưng lại là một con nghiện game, ngày ngày ăn chơi, rượu chè.

Không những thế, cậu út của ông bà còn vay tiền xã hội đen để tiêu sài khiến gia đình mấy phen khốn đốn.

Mỗi lần đi làm về thấy cảnh ông C đánh đứa con út là bà Viện lại nản, nhiều lúc bà chỉ muốn chết quách cho xong mà sao không thể chết được.

Nghĩ đến đứa con trong tù, nghĩ về cô con gái có số phận hẩm hiu và những đứa cháu ngây ngô vô tội:

“Tôi sống cho qua ngày tháng, có khi chăm chỉ ra bãi rác tử thần vừa kiếm được tiền lại vừa nhanh về với tổ tiên” – bà vừa khóc vừa nói.

Cuộc sống là vậy, dù có thế nào vẫn cứ phải sống, sống để trọn nghĩa vợ chồng, sống để tròn nghĩa vụ của cha mẹ.

Với bà Viện, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày nỗ lực sống để làm tròn nghĩa vụ của mình.

“Cũng mệt lắm đấy nhưng biết làm thế nào được, phải cố thôi” – bà Viện tặc lưỡi nói với tôi giọng đầy cay đắng.

Hà Phương (Theo Lao động)

BẢN DESKTOP