Giáo dục

Muôn vàn âu lo khi con học trực tuyến

  • Tác giả : Mai Nguyễn
Năm học mới đã bắt đầu, việc học sinh không thể đến trường, phải học trực tuyến khiến phụ huynh rối bời lo lắng, bởi nhiều lý do.

“Đau đầu” vì con học trực tuyến

Chị Nguyễn Thu Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con gái năm nay lên lớp 2. Ngày nào chị cũng theo dõi các bản tin về Covid-19. Thấy dịch bệnh tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, học sinh phải học online, chị rất lo lắng.

Năm ngoái, khi con học online, vợ chồng chị đã phải thay nhau cắt cử ở nhà để kèm con. Nhưng dù có bố mẹ ngồi sát bên, con vẫn không tập trung học bài. Có khi đang học lại xin đi uống nước, xin đi vệ sinh. Có khi lại kêu đói quá. Bút, vở chị đã yêu cầu chuẩn bị sẵn, nhưng cứ hôm nào không có mẹ giám sát là hôm đó bút, vở lại vứt lung tung, phải đi tìm.

Giờ học rất mệt mỏi nhưng vẫn không hiệu quả. Chữ con viết nguệch ngoạc, hết giờ học online, hai mẹ con lại đánh vật với nhau.

“Cứ nghĩ lại bắt đầu quãng thời gian khủng hoảng như năm ngoái, tôi lại thấy oải quá. Nhìn con ngồi máy tính cũng thương lắm, nhưng thấy con học không ra học tôi lại không kiềm chế được, quát con. Con chỉ sợ, chứ không học tốt hơn”, chị Thủy cho biết.

Còn gia đình anh Nguyễn Mạnh Hà (Đan Phượng) thì lại có thêm một nỗi lo khác, đó là thiếu thiết bị học tập cho con. Nhà anh có một máy tính, nhưng đã hỏng, giờ chưa sửa được, cũng không có tiền mua máy mới. Năm ngoái, con nhỏ của anh học lớp 1 được ưu tiên học máy tính. Con lớn học lớp 8 phải dùng điện thoại của mẹ. Vào năm học mới, anh chưa biết sẽ giải quyết vấn đề thiết bị học cho con thế nào, vì điện thoại của anh không cài được ứng dụng để học.

Một cô giáo chia sẻ, lớp của cô chủ nhiệm có trường hợp học sinh về quê ở với ông bà, nhưng cả nhà chỉ có chú là có điện thoại thông minh. Hôm nào chú không đi làm, ở nhà thì mới có máy để học. Còn lại thì nghỉ. Cũng có em đang học thì bị out (thoát) ra khỏi ứng dụng. Ông nhắn lên Zalo cho cô giáo là xin cho con nghỉ học luôn, vì ông bà cũng không biết làm sao để vào lại được lớp. Lại có trường hợp, về quê không mang sách. Khi cô hỏi sách đâu thì nói sách để trên Hà Nội rồi, bố mẹ em không mang về cho em được.

Nhiều phụ huynh cho rằng, nên lùi thời gian học lại, cho đến khi trẻ được học trực tiếp. Bởi thực sự, họ không biết khắc phục khó khăn thế nào, ví dụ như thiết bị học tập cho con, hoặc giám sát con ở độ tuổi lớp 1, 2, bởi họ cũng vẫn phải đi làm.

Phụ huynh cố gắng đồng hành, động viên, khích lệ con

Ngay trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 cấp tiểu học.

Theo đó, đối với học sinh lớp 1, từ ngày 1 - 12/9/2021, giáo viên chủ nhiệm lớp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến; hướng dẫn theo dõi chương trình "Dạy học Tiếng Việt" được phát sóng trên kênh VTV7 (từ ngày 6/9/2021).

Từ ngày 13 - 30/9/2021, nếu học sinh chưa được trở lại trường, các nhà trường tiến hành giảng dạy chương trình năm học 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày trong phòng trực tuyến với giáo viên.

Nhà trường chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh

Thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu.

Đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5, các nhà trường sử dụng các tiết dạy trên chuyên mục "Học trực tuyến khối tiểu học" đã được Sở phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng, được lưu trên kênh Youtube của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các kho học liệu sẵn có và tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung, tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đồng thời, sắp xếp các chủ đề học tập, xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn học sinh tự học.

Đặc biệt, các nhà trường cần sắp xếp thời gian học và các môn học phù hợp, tránh gây áp lực cho học sinh. Với một số môn như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, một số bài môn đạo đức, môn tự nhiên và xã hội, giáo viên có thể xây dựng bài học bằng video clip gửi cho phụ huynh học sinh để phụ huynh giúp con thực hiện các nội dung theo khung giờ phù hợp với từng gia đình.

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Chung Anh, Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cho biết, cô rất chia sẻ với các phụ huynh về những khó khăn khi con phải học trực tuyến.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, học trực tuyến là lựa chọn bất khả kháng. Đối với những khó khăn có thể khắc phục được, phụ huynh cần đồng hành, động viên, khích lệ, sát cánh bên con, cùng con vượt qua.

Ví dụ, phụ huynh cần nói cho con hiểu về tình hình dịch bệnh, nhiệm vụ của con trong giai đoạn này là gì. Mỗi khi học trực tuyến, con cần tập trung chú ý nghe giảng, hoàn thành bài tập ra sao… Hình thành cho con thói quen học tập, ví dụ, sắp xếp sách vở sẵn khi ngồi vào bàn học; chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ. Bởi trong tiết dạy học online cô giáo sẽ không thể dừng lại chờ từng học sinh khắc phục sự cố, như đi bơm mực, tìm sách giáo khoa…

“Mỗi học sinh sẽ có sự lĩnh hội, tiếp nhận khác nhau nhưng nếu có sự đồng hành của phụ huynh, chắc chắn các con sẽ vượt qua những khó khăn tốt hơn. Tôi thấy thời khóa biểu theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, với tối đa 3 tiết một ngày là phù hợp, các con lớp 1, 2 có thể theo được”, cô Chung Anh nói.

Sở GD&ĐT yêu cầu các trường cần chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà. Sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập và có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP