Khám phá

Muốn cơm ngon cần nấu đúng cách

Nấu cơm hoặc bảo quản cơm nguội sau khi ăn không hết là việc diễn ra hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ tỷ lệ nước nấu cơm để không nhão hoặc rắn; trong lúc nấu có nên đảo cơm không; với cơm nguội dư thừa thì xử lý thế nào, cứ để nguyên trong nồi chờ bữa sau cắm lại hay cho vào hộp để trong tủ lạnh…

Theo các chuyên gia muốn cơm ngon, bạn phải làm đúng từ việc chọn gạo, vo gạo…

Gạo, nước, vo phải đúng

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, nấu cơm là việc diễn ra hằng ngày và tưởng như rất đơn giản nhưng nhiều người vẫn mắc sai lầm như cho nước, gạo không đúng tỷ lệ khiến cơm nhão hoặc rắn.

Nhất là trong quá trình nấu thì đảo cơm liên tục với suy nghĩ để cơm mới chín đều. Thậm chí nhiều người còn mang gạo đi ngâm trong nước một khoảng thời gian dài với suy nghĩ rằng, gạo ngâm khiến cơm nở, ăn sẽ mềm hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, rất khó để đưa ra một công thức chung giữa tỷ lệ gạo và nước vì hiện nay có quá nhiều loại gạo và mỗi loại gạo lại có một công thức riêng, đấy là chưa kể khẩu vị của mỗi người là khác nhau. Thế nhưng, nhìn chung các loại gạo hiện nay chia làm 3 nhóm gồm cứng, trung bình và mềm.

Đối với gạo cứng thì 1 gạo (tính bằng kg) + 1,5 – 1,6 nước (tính bằng lít); gạo trung bình tỷ lệ là 1 gạo + 1,3 – 1,4 nước; gạo mềm tỷ lệ là 1 gạo + 1, 2 – 1,25 nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng chỉ mang tính tương đối. Khi mua gạo về bạn có thể nấu thử trước, khi nấu bạn nhớ để ý mức nước sau đó điều chỉnh dần dần.

Để cơm ngon, bạn nên cho gạo vào rổ/rá rồi xóc gạo trong nước để cho ráo sau đó cho vào nồi. Cách này giúp cho hạt gạo ngấm nước một cách từ từ và vừa đủ giúp cơm ngọt, ngon, đồng thời đây cũng là cách bạn có thể nhặt được sạn có trong gạo nếu có. Bạn tuyệt đối không nên ngâm gạo lâu trong nước. Gạo ngâm nước lâu ngấm nhiều nước sẽ khiến cơm bị nhạt).

Để cơm ngon thì bạn phải chú ý đến cả gạo và khâu nấu. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan khuyến cáo, nhiều gia đình hiện đang có thói quen mua gạo về “tích” trong nhà ăn dần. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, gạo là một cơ thể sống nên để lâu sẽ bị giảm chất lượng. Đấy là chưa kể gạo để lâu có thể bị côn trùng, đặc biệt là mọt tấn công. Vì vậy, tốt nhất là ăn đến đâu, mua đến đó.

Thanh trùng cơm nguội

Sau bữa ăn, rất nhiều lần bạn sẽ gặp phải tình trạng cơm nguội dư thừa. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, không nhất thiết phải bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh giống như các loại thực phẩm dư thừa sau bữa ăn khác. Bạn hoàn toàn có thể bảo quản ngay tại nồi cơm.

Tuy nhiên, bảo quản tại nồi cơm bạn cần nhớ, trong quá trình bạn bỏ ra ăn cơm có thể đã nhiễm khuẩn. Vì thế, ngay sau khi bữa ăn kết thúc, bạn cần lấy muôi xúc cơm “vén” cho cơm gọn lại sau đó cắm lại cơm cho nóng, đây được gọi là quá trình thanh trùng, sau khi cơm đã nóng thì rút phích điện ra và cứ để như vậy.

Đến bữa sau khi ăn, bạn cho một chút nước nóng vào và đảo lại cơm cho cơm đỡ khô, sau đó cắm lại cho nóng. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý, việc bảo quản trong nồi cơm điện kiểu này không quá 1 ngày, tốt nhất chỉ cơm thừa bữa này thì ăn ngay vào bữa sau đó.

Trong trường hợp cơm nguội quá nhiều, ăn bữa sau không hết, hoặc bữa sau chưa ăn đến, bạn có thể mang cơm nguội sấy hoặc phơi khô, sau này ăn đến thì lại cho nước nóng vào cắm lại hoặc là chế biến thành những món ăn khác.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết thêm, nhiều gia đình do có ít người nên hay có hiện tượng cắm một lần ăn hai, ba bữa cho tiện. Việc này là không nên do cơm để lâu sẽ bị mất chất dinh dưỡng do hàm lượng protein bị giảm.

Đặc biệt, khả năng chuyển hóa từ tinh bột sang đường của cơm nóng rất nhanh, nên ăn cơm nóng sẽ giúp tiêu hóa nhanh. Với cơm nguội việc chuyển hóa diễn ra chậm hơn nên tiêu hóa lâu hơn. Vì vậy, khi nấu bạn nên để ý để làm sao nấu bữa nào ăn hết bữa đấy là tốt nhất.

Đức Anh

BẢN DESKTOP