Gia đình mới

Muốn chè ngon, phải học cách bảo quản chuẩn

Chè là sản phẩm không thể thiếu được trong nhiều gia đình người Việt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mắc sai lầm trong việc bảo quản chè. Có nên bảo quản chè trong tủ lạnh; khi chè bị ẩm, có nên mang chè ra phơi; thời gian bảo quản chè là bao lâu; dụng cụ nào bảo quản chè là tốt nhất; làm sao giữ được hương thơm lâu cho chè… là những câu hỏi mà nhiều độc giả của báo KH&ĐS thắc mắc.

Nhiều người vẫn mắc sai lầm trong việc bảo quản chè.

Uống đến đâu, mua đến đấy

Ngoài những loại chè được sản xuất quy mô công nghiệp đóng trong hộp kín hoặc trong bao túi hút chân không, hiện nay nhiều người chuộng chè bọc trong túi nilon, mua theo cân, theo lạng. Thậm chí, khi mua được chè ngon, nhiều người tiện thể mua luôn vài kg về dùng dần.

Tuy nhiên, theo GS. TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội Khoa học & Công nghệ Chè, chè có đặc tính là hút ẩm rất mạnh từ môi trường xung quanh. Chè chỉ được bảo quản tốt nhất khi cho vào bình, lọ hoặc túi hút chân không. Nguyên tắc bảo quản chè, nhất là chè hương là càng kín càng tốt để tránh bị ẩm và thậm chí là để tránh bị mất mùi hương.

Tuy nhiên, bảo quản chè trong túi nilong vẫn có trao đổi khí khiến cho chè hút ẩm từ bên ngoài vào. Vì vậy, tốt nhất là uống đến đâu mua đến đấy, đừng tham mua nhiều về theo kiểu dùng cả năm hay vài năm. Ngoài ra, ngay khi mua chè về bạn nên cho vào hộp, lọ và đậy kín lại.

Ngoài ra, hiện nay nhiều người có thói quen mua chè về tự ướp hương (ướp chè với hoa sen, hoa ngâu, hoa nhài, hoa sói…). Thực tế chè ướp hương công nghiệp được bảo quản kỹ có thể dùng trong vòng 1 năm.

Nhưng với chè tự ướp hương thủ công việc bảo quản chè rất khó, nhiều người mới làm được 1 – 2 tháng chè đã bị mốc hoặc bay mùi do không biết cách bảo quản và chưa sao (sấy) chè đạt đến độ khô cần thiết. Vì thế, trong trường hợp bạn tự ướp hương cho chè, cần tuân thủ các nguyên tắc ướp, sấy và tốt nhất chỉ nên ướp một lượng nhất định và dùng tối đa trong vòng 6 tháng để đảm bảo chè không bị mốc, mất mùi.

GS. TS Nguyễn Ngọc Kính: “Ngoài chất lượng chè, độ ngon của chè còn phụ thuộc lớn vào khâu bảo quản. Cùng một loại chè ngon như nhau, nhưng người khéo bảo quản thì để lâu uống vẫn ngon, người không biết bảo quản thì chất lượng chè giảm sút nghiêm trọng dù chỉ mới mua về. Đặc biệt, bảo quản chè không khó, nhưng tỉ mẩn. Có như thế, cũng là uống nhưng uống chè lại được gọi là “thưởng” chè”.

Không dùng tủ lạnh

Nhiều người sau khi mua chè về, để lâu sợ mốc thì cho chè vào trong tủ lạnh tránh cho chè bị mốc. Đây cũng là một phương án rất sai lầm. Vì mặc dù có thể giúp chè không bị mốc nhưng đặc tính của chè là hút ẩm mạnh, nên khi cho chè vào tủ lạnh thì nguy cơ bị nhiễm ẩm lại cao.

Vì thế, để bảo quản chè tốt nhất sau khi dùng thì cho vào hộp kín, kể cả chè khô hay chè túi lọc. Chất liệu lý tưởng nhất cho những chiếc lọ hay hộp đựng chè là thiếc hoặc nhôm, hoặc bình gốm, hoặc túi hút chân không. Cần nhờ rằng, khả năng bắt mùi của chè khá nhanh, vì vậy tốt nhất không nên tận dụng nhưng loại bình, hộp đã đựng các sản phẩm khác để đựng chè sẽ làm chè nhanh chóng bị nhiễm mùi.

Trong trường hợp tận dụng lại các loại bình, hộp đã qua sử dụng cần phải làm sạch, ngửi không còn mùi mới cho chè vào. Sau mỗi lần dùng, phải đậy thật kín hộp lại để tránh không khí tiếp xúc vào chè khiến chè nhanh bị ẩm và mất mùi hương.

Không phơi ngoài nắng

Nhiều gia đình thấy chè bị ẩm thì mang ra ngoài nắng để phơi. Tuy nhiên, việc phơi ngoài nắng, ánh nắng mặt trời sẽ hỏng các thành phần trong lá chè, ảnh hưởng đến màu sắc và hương vị của chè. Trong trường hợp chè bị ẩm, tốt nhất là cho chè vào sao (sấy) trên chảo. Khi sao nhớ phải đảo liên tục và đều tay và chú ý khi cánh chè bắt đầu giòn thì tắt bếp, để nguội và cho vào hộp kín (tránh cho chè còn đang nóng vào hộp).

Đức Anh

Từ Khoá

BẢN DESKTOP