Dữ liệu y khoa

Muối với một số bệnh

  • Tác giả : ​​​​​​​ThS.BS Nguyễn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh
(khoahocdoisong.vn) - Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong dự phòng và điều trị tăng huyết áp (THA), có mối liên quan chặt chẽ tác động đến huyết áp động mạch qua nhiều khâu, đặc biệt là lượng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày như natri, kali, canxi, tổng số chất béo và thành phần chất béo, tiêu thụ rượu….

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở những vùng dân cư có tỷ lệ THA thấp khi chế độ ăn hằng ngày nhiều rau xanh, hoa quả và cá.

Chế độ ăn dự phòng và điều trị tăng huyết áp

Một chế độ ăn điều trị liên quan đến giảm natri trong điều trị THA là chế độ ăn nhạt, nhiều rau xanh và hoa quả. Chế độ ăn này giàu kali, vitamin, chất xơ, thấp natri và chất béo. 

Nguyên tắc của chế độ ăn là: Ít natri, giàu kali, canxi, magie, giàu vitamin và các chất vi lượng, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, giảm chất béo no, tăng chất béo không no, giảm chất kích thích.

Hạn chế ăn muối, giảm mỳ chính: Một thìa 5g muối có chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành bình thường không bị THA. Bỏ thói quen tiêu thụ thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp… Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín để có nhiều chất chống oxy hóa, nhiều kali.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chế độ ăn cho người suy thận tùy theo giai đoạn của bệnh

Thức ăn nên hạn chế: Muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 2 thìa nhỏ nước mắm); ăn hạn chế đạm thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng, tránh ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, hạt dẻ, socola); thực phẩm giàu photpho (phomat, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ…).

Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (khoai lang, khoai sọ, miến dong); chất đường (đường, mía, mật ong, hoa quả ngọt); chất béo (có thể ăn khoảng 30 - 40g/ngày, ưu tiên chất béo thực vật); bổ sung canxi (sữa); bổ sung vitamin (nhóm B, C, axit folic…).

Nước uống: Lượng nước uống hàng ngày nên sử dụng = 300 - 500ml (tùy theo mùa) + lượng nước tiểu hằng ngày + lượng dịch mất bất thường, hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu...).

Chế độ ăn nhạt cho bệnh nhân suy tim

Trước hết cần lưu ý, 1g muối ăn (NaCl) chứa 400mg natri. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể chỉ khoảng 400mg natri  (tức 1g muối/ngày), lượng natri này đã có trong bữa ăn đủ thịt, cá, rau, quả. Nên nhớ mỳ chính, bột canh chứa nhiều natri dưới dạng natri glutamat nên không dùng để chế biến thức ăn cho bệnh nhân suy tim.

Chế độ ăn nhạt hoàn toàn: 200 - 300mg natri/ngày/người, lượng natri này đã có đủ trong thực phẩm bữa ăn. Do đó, khi chế biến thực phẩm và khi ăn hoàn toàn không dùng muối, mỳ chính, bột canh, nước mắm; chọn thực phẩm ít natri như gạo trắng, khoai củ, rau, quả ngọt, thịt, cá, trứng ăn cả lòng trắng; không ăn sữa nguyên kem, đồ hộp, các thức ăn nướng, rán, xào, muối, ướp, bánh mỳ vì chứa nhiều muối.

Chế độ ăn nhạt: 400 - 700mg natri/ngày/người khoảng từ 1 - 2g muối. Khi chế biến chỉ cần cho 1g muối ăn hoặc 1 thìa con nước mắm một ngày. Ngoài ra natri có trong thực phẩm khoảng 1g trong ngũ cốc, rau quả của khẩu phần; Chọn thức ăn ít natri, bỏ các thức ăn chế biến sẵn, đồ hộp, sữa nguyên kem vì nhiều muối.

Chế độ ăn nhạt vừa: 800 - 1.200mg natri/ ngày/người tương đương khoảng 2 - 3g muối ăn/ngày. Cho 2g muối ăn/ngày hoặc 2 thìa cà phê nước mắm/ngày. Ngoài ra có khoảng gần 1g trong rau quả, thức ăn của khẩu phần; Không dùng thức ăn giàu muối như bánh mỳ, sữa nguyên kem, pho mai, đồ hộp, thức ăn nướng, ướp sẵn.

Một số cách để hạn chế muối với chế độ ăn thông thường 

Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:

Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn.

Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá 1/5 thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày. 

Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm đóng hộp…

Lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn. 

Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối. 

Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ việc thêm các gia vị mặn.

​​​​​​​ThS.BS Nguyễn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh

BẢN DESKTOP