Viêm da tiếp xúc do côn trùng thông thường rất hiếm gặp nhưng đã tăng đột biến trong tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu.
Tổn thương do kiến ba khoang đốt. |
Thời điểm chuyển mùa, từ những ngày hè bắt đầu sang ngày mưa là lúc loài kiến ba khoang xuất hiện nhiều. Loài kiến này có thân mình thon dài, hai màu đen - vàng cam tạo thành các khoang. Chúng thường tiết ra chất dịch pederin, có độc tính gây bỏng, làm tổn thương da người.
Biểu hiện của da khi bị nhiễm độc do kiến ba khoang đốt là các vết thương thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn mủ, thường ở vị trí vùng hở như mặt, cổ, tay, chân… Người bị đốt sẽ có cảm giác hơi ngứa rát, căng da, da đỏ nhẹ tại chỗ thương tổn, có thể gây ra sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Sau 1 tuần đến 10 ngày, viêm da do côn trùng sẽ bong vảy, để lại vết thâm kéo dài.
Sau khi bị kiến ba khoang đốt, chúng ta rửa vùng da tiếp xúc, uống thuốc giải dị ứng hoặc bôi thuốc làm dịu da. |
Theo BSCKII Vũ Thị Phương Thảo, nếu phát hiện kiến ba khoang đốt, chúng ta chỉ nên đuổi nhẹ, không dùng tay trần để bắt, miết, giết. Rửa vùng da tiếp xúc với dịch độc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó uống ngay thuốc giải dị ứng hoặc bôi thuốc dịu da. Không nên rờ, đụng hay gãi mạnh vào vết thương có thể làm tổn thương lan rộng. Cần lưu ý nếu tình trạng vết thương viêm da nặng, đến ngay bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chữa trị và có chỉ định thuốc phù hợp.
Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt rất giống bệnh zona (giời leo). Bệnh zona thường có những tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể, gây đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn.
Để phòng chống kiến ba khoang đốt, cần hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi ở gần cánh đồng, nhiều cây cối rậm rạm; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng; thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nơi ở. Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng…