Dọc đường

Một nốt lặng sau đám cháy chung cư

Sau đám cháy chung cư ở quận 6, TPHCM đã mấy ngày, tại nhà tang lễ, 11 thi thể đã được đưa về nhà hỏa táng thì vẫn còn lại quan tài của hai mẹ con chị Hương. Gia đình nội ngoại từ Kiên Giang lên, từ Quảng Ngãi vào vẫn còn bàng hoàng và bối rối…

Bạn học tới thắp hương.

Hy vọng rồi thất vọng

Chị Thùy Hương sinh năm 1978 làm nghề bán quần áo, đã chia tay với chồng là một bác sĩ khoảng chục năm trước nên ngoài đứa con tên Hương Nhi (người mẹ đã lấy tên của mình để làm tên lót cho con) trong nhà không còn ai. Khi báo chí đăng tin khu chung cư cao cấp bị cháy, có nhiều người chết và bị thương, bên nội và bên ngoại đều gọi điện hỏi thăm, nhưng điện thoại của hai mẹ con đều không liên lạc được.

Anh Việt, chú của chị Hương kể: “Tôi ở thành phố nhưng cũng ít đọc tin tức. Buổi sáng nghe người nhà ở ngoài Quảng Ngãi xem báo, biết cháy chung cư, gọi điện cho tôi bảo đi xuống xem hai mẹ con có việc gì không? Tôi mới đọc báo và biết có vụ cháy. Ban đầu tôi nghĩ rằng cháu tôi không sao, có lẽ chỉ bị thương thôi, nên có bệnh viện nào tôi cũng chạy vào tìm hết nhưng không thấy. Cuối cùng, khi vào đến nhà tang lễ tôi thấy hai mẹ con cháu nằm ở đây. Tự tay tôi lau những vệt than đen còn dính trên mặt cháu tôi, mà bàng hoàng không tin đây là sự thật”. Anh Việt nói rằng, chị Hương rất thương con. Hai vợ chồng Hương có nhiều điểm xung khắc nên chia tay. Ban đầu cháu ở với ông bà nội dưới Kiên Giang. Hương rất nỗ lực buôn bán để có tiền mua một căn hộ chung cư đưa con lên ở với mình.

Anh Việt nói: “Những người cứu hộ kể với tôi rằng hai mẹ con đã chạy đến khúc quanh của tầng hai, chỉ thêm một đoạn ngắn nữa là có thể thoát ra ngoài, nhưng cả hai đã kiệt sức và nằm lại đó cùng với nhiều người khác nữa”. Đám cháy xảy ra lúc nửa đêm, mất điện và không có hướng dẫn cách xử lý. Có lẽ hai mẹ con đã nghe tiếng la hét ở xung quanh. Vì căn hộ của họ tầng 6, không xa mặt đất là bao nên hai mẹ con đã chọn giải pháp không đóng cửa cố thủ trong nhà mà chạy xuống đất. Trong bóng tối dày đặc, có thể họ không biết rằng lối thoát hiểm đã ngập chìm trong khói độc. Anh Việt ngậm ngùi: “Nếu hai mẹ con cứ ở trong nhà đóng cửa lại, mở cửa sổ ra, không khéo chẳng việc gì. Vì sau đám cháy thì căn hộ vẫn còn nguyên vẹn, không sao cả”.

Bố của chị Hương từ Quảng Ngãi vào, bảo: “Hương là con gái rất ngoan, thường xuyên gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ. Tết vừa rồi hai mẹ con còn về thăm quê. Cả nhà đều tự hào vì cháu Hương Nhi ngoan học giỏi, thương ông bà ngoại. Nguyện vọng của chúng tôi là muốn hỏa táng rồi đưa hai mẹ con cháu ra Quảng Ngãi”.

Tấm hình Hương Nhi (trái) tự chụp với mẹ Tết năm 2018.

Linh cảm người cha

Bố của bé Hương Nhi là một bác sĩ ở Kiên Giang. Em gái của bác sĩ này mắt đẫm lệ kể: “Hương Nhi sinh ra ở Kiên Giang và sống tuổi thơ cùng ông bà nội. Sau khi hai vợ chồng chia tay, cũng đã chục năm rồi, gia đình nhiều lần giục bố cháu đi lấy vợ, nhưng bố cháu không chịu, bảo là lo phấn đấu làm việc để sau này là chỗ dựa cho Hương Nhi”.

Buổi sáng xảy ra vụ cháy, bác sĩ Nguyên bảo với mọi người là lên thăm con gái. Anh giấu việc xảy ra vụ cháy, sợ mọi người lo lắng. Đường từ Kiên Giang lên TPHCM khá xa, do không liên lạc được với chị Hương và Hương Nhi nên anh nhắn nhờ anh em bạn bè tới chung cư giúp đỡ hai người. Cuối cùng, lúc ở trên xe đò, anh nhận được hình ảnh của người quen chụp những người tử nạn để anh có thể nhận dạng người thân. Đến lúc ấy, nhìn thấy thi thể một bé gái trạc tuổi con mình, bác sĩ Nguyên vẫn không tin đó là con gái và vẫn cầu nguyện cho con mình được bình yên.

Bé Hương Nhi là cháu nội đầu tiên và cũng là duy nhất của gia đình suốt mười mấy năm qua. Chỉ cách đây vài năm thì ông bà mới có đứa cháu nội thứ hai là con của em trai bác sĩ Nguyên. Bởi vậy, vào buổi trưa, khi đã xác định được Hương Nhi tử nạn mọi người không dám báo cho ông nội, rồi khi báo cho ông nội lại không dám báo tiếp cho bà nội.

Cô ruột của bé Hương Nhi kể: “Từ bé đến giờ chưa bao giờ thấy ông nội của Hương Nhi khóc. Ai cũng sợ ông sẽ bị sốc nhưng không thể giấu mãi được. Khi nghe tin Hương Nhi qua đời, ông không nói gì cả, ông cứ ngồi im và hai dòng nước mắt cứ thế chảy…”.

Bà nội và tấm ảnh mẹ con Hương Nhi (chụp cách đây 3 năm).

Ký ức

Bà Loan, bà nội của Hương Nhi cuối cùng cũng được đưa lên thành phố để đưa tiễn cháu nội mình. Bà ôm tấm ảnh đứa cháu nội, mắt đỏ hoe: “Tết vừa rồi, cháu về ăn Tết, bảo là bà ơi Tết này cháu ở mấy ngày thôi, rồi cháu ra ăn Tết với ông ngoại. Đến hè cháu sẽ quay về chơi với bà nội. Hương Nhi ơi, lời hứa của cháu giờ không thực hiện được nữa rồi”.

Cô Duy là cô ruột của cháu, bảo: “Nhà chúng tôi ở Kiên Giang, gồm năm anh em thì hai người trong đó có bố Hương Nhi học ngành y, hai người học sư phạm và một người học du lịch. Tôi dạy lớp năm. Chẳng phải cháu mình mà mình khen, nhưng chưa thấy học sinh nào lại ngoan, sáng dạ, chăm chỉ, nghe lời như Hương Nhi”.

Khi mở cửa vào căn hộ chung cư, mọi người tìm thấy nhiều hình ảnh hai mẹ con quấn quýt bên nhau. Tết vừa rồi, hai mẹ con đi chơi được nhiều nơi nên chụp rất nhiều ảnh. Hương Nhi chóng lớn, sinh năm 2002 nhưng chụp với mẹ ai cũng bảo “chẳng khác gì hai chị em”.

Sẻ chia

Cô Duy nước mắt cứ tuôn trào bảo: “Thành Đoàn, Mặt trận tổ quốc, các phường… nhiều tổ chức cá nhân đã đưa vòng hoa đến viếng hai mẹ con. Ai cũng bảo thương cho hai mẹ con đẹp như trăng rằm. Quặn lòng khi chứng kiến các cháu học cùng trường của Hương Nhi, tới không ngớt, vẫn còn mặc áo đồng phục, quần áo tập thể dục”.

Hai bên nội ngoại dán thông báo không nhận tiền phúng điếu. Ông ngoại của cháu nói: “Chúng tôi được bệnh viện giúp đỡ, lo nhiều chi phí rồi, nên xin cám ơn không nhận sự giúp đỡ của mọi người, chỉ xin nhận sự chia sẻ và cảm thương của mọi người đối với con gái tôi và cháu tôi”. Ông ngoại nói rằng, Tết rồi Hương Nhi về Quảng Ngãi chơi được khá lâu, rất thích quê hương Quảng Ngãi. Cả nhà đều khen Hương Nhi ngoan, thông minh, học giỏi và rất là lễ phép.

Cháu Mỹ Trinh là bạn học cùng trường với Hương Nhi nhận xét “Hương Nhi là người dễ mến, hòa đồng với mọi người. Những khi ra chơi, bạn thường gặp gỡ các bạn nữ trong lớp, ngoài lớp trò chuyện vui vẻ và thân thiện. Bởi vậy, cả trường đều buồn tiếc cho bạn”. Mỗi lần các bạn cháu đến thắp hương, bố của cháu là một bác sĩ ngoại khoa, lại tìm chỗ vắng để lau nước mắt.

Hai bên nội ngoại nén nỗi đau chung mà bàn chuyện hậu sự cho Hương Nhi và mẹ cháu. Bên nội muốn đưa hai mẹ con về Kiên Giang để tiện chăm sóc mộ phần. Bên ngoại lại mong đưa cháu về quê ngoại miền Trung. Cô Duy nói: “Cuối cùng cả hai bên nội ngoại thống nhất sẽ hỏa táng và gửi cốt của Hương Nhi tại một ngôi chùa ở TPHCM, làm như vậy bên nội và bên ngoại đều cảm thấy gần với hương hồn của mẹ con Hương Nhi hơn”.

Theo Trần Nguyễn Anh (Tiền Phong)

BẢN DESKTOP