Đủ kiểu bệnh lý khác nhau
TS.BS Đặng Quốc Ái, giảng viên Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội, thực hành lâm sàng tại Bệnh viện E T.Ư và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong một ngày cuối tháng 6, ông đã mổ 5 ca viêm túi mật nội soi với 5 kiểu bệnh lý khác nhau. Cả 5 ca đều là nữ, từ 45 - 68 tuổi.
Ca thứ nhất, viêm túi mật do sỏi trên bệnh nhân hẹp hở van hai lá. Chỉ định cắt túi mật nội soi để chuẩn bị mổ thay van tim.
Ca thứ hai, viêm túi mật do sỏi trên bệnh nhân hẹp hở van động mạch chủ. Chỉ định cắt túi mật nội soi để chuẩn bị mổ thay van động mạch chủ.
Ca thứ ba viêm túi mật do sỏi/hẹp niệu quản. Bệnh nhân được chỉ định mổ cắt túi mật nội soi kết hợp với chuyên khoa Ngoại Tiết Niệu xẻ hẹp đặt JJ niệu quản.
Ca thứ tư viêm túi mật cấp do sỏi và được mổ nội soi cắt túi mật.
Ca thứ năm bị viêm túi mật do sỏi/sau điều trị viêm tuỵ cấp và được mổ cắt túi mật nội soi.
Nội soi cắt túi mật do viêm túi mật cấp. |
Theo TS.BS Đặng Quốc Ái, đa phần viêm túi mật cấp là do có sỏi. Đây là một trong những bệnh lý cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở Việt Nam. Tại Bệnh viện E T.Ư và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hầu như ngày nào cũng có một vài trường hợp nhập viện và phải phẫu thuật cấp cứu. Bệnh thường gặp hơn ở nữ giới, hay xảy ra ở độ tuổi trung niên và người già. Cả sỏi nhỏ và sỏi to đều có thể dẫn tới viêm túi mật. Với những bệnh nhân có nhiều sỏi nhỏ trong túi mật thì nguy cơ viên sỏi rơi vào ống cổ túi mật hơn so với những viên sỏi lớn và đơn độc. Khi bị tắc nghẽn thì dịch trong túi mật ứ đọng, vi khuẩn phát triển gây viêm, hoại tử và thủng túi mật. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp là các vi khuẩn kỵ khí như Streptococcus, Foecalis, Staphylococcus,Ecoli, Enterococci, Klebsiella, Bacteroides, Proteus...
Triệu chứng không đặc hiệu, biến chứng nguy hiểm
TS.BS Đặng Quốc Ái cho biết thêm, những bệnh nhân nhập viên cấp cứu vì viêm túi mật do sỏi thường khởi phát với triệu chứng sốt, đau hạ sườn phải ngày càng tăng và nếu để muộn thì có thể đau toàn bụng do viêm phúc mạc mật. Đôi khi người bệnh xuất hiện vàng da do những viên sỏi nhỏ rơi vào ống mật chủ hoặc những viên sỏi lớn nằm trong phễu túi mật và đè ép vào ống mật chủ. Nếu để muộn hơn, bệnh nhân đau dữ dội, sốt cao, người mệt, lờ đờ... là những dấu hiệu của sự báo hiệu sắp xảy ra sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Đặc biệt nguy hiểm nhất là sốc nhiễm trùng gram (-) với nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời và tích cực.
Trước đây khoa học kỹ thuật chưa phát triển, gây mê hồi sức chưa tiến bộ, trình độ phẫu thuật viên và phương tiện phẫu thuật còn hạn chế thì người ta rất ngại mổ cắt túi mật nên thường đợi khi túi mật có biến chứng mới phẫu thuật làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân. Ngày nay với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh và đặc biệt với sự ra đời của phẫu thuật nội soi, cách phòng bệnh tốt nhất là cắt túi mật sớm khi chưa có biến chứng. Bởi ở giai đoạn nhẹ, chỉ cần cắt túi mật đơn thuần bằng nội soi với tỷ lệ thành công > 90%; Ở giai đoạn trung bình nội soi chỉ đạt 70 - 75%, còn lại phải mổ mở nặng nề; Với trường hợp nặng không mổ được thì phải điều trị nội khoa bằng thuốc cộng với dẫn lưu túi mật để cứu tính mạng bệnh nhân, sau đó mới cắt bỏ túi mật hoặc tán sỏi. Việc tán sỏi đối với túi mật viêm thường chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ vì thông thường ở những bệnh nhân này túi mật sẽ không còn chức năng nên sau khi tán sỏi hay tái phát. Đó là chưa kể tình trạng viêm túi mật còn có thể gây biến chứng hoại tử, thủng túi mật, viêm phúc mạc... hoặc ung thư túi mật khi viêm túi mật mạn tính lâu năm.
Do vậy, bệnh nhân có sỏi túi mật cần chú ý đi khám để đượctư vấn bởi bác sĩ có chuyên khoa sâu trong bệnh lý này và vào viện ngay khi có biểu hiện của viêm túi mật. Có nhiều người cho rằng việc cắt bỏ túi mật sẽ làm giảm sức khoẻ, giảm tuổi thọ... tuy nhiên các nghiên cứu khoa học đã chứng minh cho thấy sau khi cắt túi mật không xảy ra những điều như trên mà ngược lại thì khoẻ mạnh hơn vì loại bỏ được cơ quan bệnh lý.