Dinh dưỡng học đường

Mồng tơi khắc phục thiếu máu

  • Tác giả : Lương y Nguyễn Văn Sáu
(khoahocdoisong.vn) - Rau mồng tơi rất lành, hầu như không gây dị ứng đối với trẻ em. Trẻ từ khoảng 6 tháng tuổi đã có thể được cho tập ăn dặm với loại rau này.

Mồng tơi là loại rau giàu sắt, vitamin A, folate và các chất chống oxy hóa. Toàn bộ và thân cây chứa nhiều vitamin A. Trong 100g lá rau tươi cung cấp 8.000IU hoặc 267 % nhu cầu vitamin A hằng ngày, giúp mắt sáng và da đẹp. Vitamin A trong rau mồng tơi rất tốt cho hệ thống miễn dịch, giúp tạo ra các tế bào bạch cầu để ngăn ngừa vi khuẩn và virus. Hoạt động của hệ thống sinh sản, xương và thị lực cũng dựa vào một lượng vitamin A cần thiết của cơ thể. Hàm lượng canxi cao trong mồng tơi giúp xương và răng chắc khỏe, cải thiện cơ bắp, hệ thần kinh và các hormon trong cơ thể. Canxi trong mồng tơi giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, làm xương cứng vững.

Hầu hết những người trưởng thành cần bổ sung khoảng 1.000 - 1.200mg canxi mỗi ngày, trong khi đó mồng tơi có thể cung cấp 55mg canxi trong một khẩu phần nhỏ. Cũng trong 100g lá có 109mg canxi, 65mg magie, chiếm lần lượt 11% và 16% lượng khuyến nghị mỗi ngày. Canxi tốt cho xương, trong khi magie giúp hấp thụ canxi trong cơ thể. Lá mồng tơi có chứa khá nhiều sắt, chiếm 15% mức khuyến nghị mỗi ngày, vì vậy ăn rau mồng tơi sẽ khắc phục tình trạng thiếu máu.

Chất nhầy pectin trong rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, thải trừ chất béo, rất thích hợp với trẻ béo phì, cần giảm cân. Mồng tơi tốt cho cả người bệnh tiểu đường, táo nhiệt, người thường xuyên phải làm việc ngoài nắng nóng. Mồng tơi có thể nấu kết hợp với các loại hải sản như cua, cua đồng, trai hến, nghêu, tôm... để tạo nên những món ăn ngon bổ.

Trong Đông y, mồng tơi vừa là cây rau, vừa là vị thuốc được gọi là lạc quỳ, có vị chua, tính hàn, tác dụng nhuận tràng, sinh tân, mát huyết, ăn vừa bổ dưỡng, vừa chữa được bệnh trĩ, táo bón, nội nhiệt khô khát, rôm sảy.  

Trẻ mập phì, nóng nhiệt do can khí uất kết nấu mồng tơi với tép hoặc cua ăn thường xuyên. Với người táo bón, da khô sần dùng mồng tơi phối hợp với mè đen sắc nước uống, hoặc nấu canh ăn thường xuyên. Chữa tim nóng, người bứt rứt khó ngủ dùng mồng tơi lá tím nấu canh với trai đồng. Hạt mồng tơi sấy khô, tán nhỏ, xoa rôm sảy khô sần da rất tốt.

Vì rau mồng tơi tính mát lạnh lại nhuận tràng, cần tránh cho ăn khi trẻ bị cảm lạnh, tiêu chảy. Nếu ăn mồng tơi khi đang mắc những chứng bệnh này, bệnh sẽ càng trầm trọng thêm.

Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)

Lương y Nguyễn Văn Sáu

BẢN DESKTOP