Đời sống

Mong có việc để làm

Tôi ngồi xem cụ Chu Thị Nhuần (93 tuổi, ở Định Công, Hà Nội) đan len mà mê quá. Những sợi len cũ tháo ra, nối lại nhưng các mối nối được cụ khéo léo giấu hết vào mặt sau, mặt trước là hình những chiếc lá, rất đẹp. Cụ đang đan áo gi lê cho chắt. Kiểu đan cầu kỳ như thế mà cụ vẫn nhớ, quả là đáng khâm phục.

Những chiếc áo tự đan

Cụ còn cho xem cả thùng áo len, mũ len cụ đan và thêu, chiếc áo vest tự may… cái nào cũng thật đẹp.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cu-chu-thi-nhuan-300x225.jpg

Cụ Chu Thị Nhuần.

Cụ Nhuần kể, con gái Hà Nội ngày xưa ai cũng phải biết nữ công gia chánh, thêu thùa, may vá, nấu nướng… Nói là được học nhưng không phải có bài, có sách vở gì đâu, mà thấy bà hoặc mẹ, hoặc người lớn tuổi làm thì mình nhìn và làm theo. May ra thì được hướng dẫn, không thì cứ nhìn mà học theo.

Phải làm rồi thì biết hết. Như việc đan lát này chẳng hạn, cụ chỉ cần nhìn kiểu đan là có thể học theo. Còn nhớ thời bao cấp khó khăn, xin mỗi chỗ được ít len, chắp nối đan thành một cái áo thì mặt trong các mối nối xù như lông nhím, thành ra lại ấm, như áo lông vậy.

Giờ thì chẳng mấy ai còn lụi cụi ngồi đan như thế nữa. Hàng hóa rất sẵn, thời gian thì không có nhiều, người trẻ bận đủ thứ việc, nên mọi thứ đều mua sẵn. Chỉ có những người già như cụ Nhuần, ngồi buồn thì lại tháo mấy cái áo cũ ra đan cho cháu chắt.

May, gần đây có cô cháu tìm được chỗ đan mũ len từ thiện, thế là cụ có việc để làm cho đỡ buồn. Chứ ở tuổi này, không có việc gì làm, suốt ngày chỉ nhìn 4 bức tường thì ốm mất. Không có bệnh gì nặng, nhưng mỗi năm thêm một tuổi là lại chậm chạp đi một chút.

Mới năm ngoái thôi, cụ vẫn còn đi xe buýt đến chơi với các chị em, bạn bè, nhưng năm nay không dám đi đâu nữa. Bởi ra đường, chưa nói người ta đi ẩu, mà nhỡ chẳng may có ai vô tình va phải thì khổ mình và khổ cả người ta. Nên cụ chỉ loanh quanh trong nhà, đọc sách báo, xem ti vi, thỉnh thoảng con cháu bận thì cụ vẫn nấu cơm.

Mong có người thích để dạy

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng làm hiệu phó Trường cấp 2 Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nên ở tuổi ngoài 90 rồi, cụ Nhuần vẫn giữ được phong thái lịch thiệp, nhã nhặn của một bà giáo. Và vẫn giữ được thói quen đọc sách báo.

Dù như cụ nói, đọc báo xong mười phần thì cũng chỉ nhớ được một phần, nhưng ngày nào cụ cũng đọc. Trong phòng cụ, ngoài cái tivi nhỏ còn có một giá sách. Cụ và con dâu có cùng sở thích đọc sách. Có cuốn sách nào con mới mua về, cụ thường đọc trước rồi lại cùng trao đổi với nhau.

Chuyện mới thì hay quên như thế, nhưng những chuyện từ ngày xưa bé, chuyện những năm 1945 hay thời bao cấp vất vả thế nào, ngày Bác Hồ đến thăm gia đình dịp Tết năm 1961… cụ vẫn nhớ như in. Khi giở lại những tấm ảnh cũ, kể về từng người trong ảnh cụ như vui hơn, khỏe hơn.

Cụ Nhuần chỉ mong có đứa cháu nào thích thú với việc đan lát, may vá hay nữ công gia chánh để cụ có thể dạy lại. Nhưng khổ nỗi, bọn trẻ bây giờ nhiều việc quá. Trẻ con thì học hành tối ngày. Lớn lên thì đi làm. Biết bao nhiêu thứ phải lo. Chẳng có thời gian giải trí, nói gì mấy công việc mất thời gian như thế này.

Cụ sinh được 4 người con trai, con cả cụ cũng chỉ có 2 con trai, may con dâu cũng là con gái Hà Nội, khéo léo, nên còn có người chia sẻ. Hay các cháu con bà chị thỉnh thoảng qua chơi, lại đòi cụ cho xem những kiểu đan đẹp, hoặc những lúc gặp chị em bạn bè kể những chuyện ngày xưa thì cụ rất vui. Còn con cháu nói những chuyện công việc, chuyện xã hội bây giờ cụ nghe không hiểu.

Con cháu rất hiếu thảo, không để bà thiếu thứ gì, nhưng khoảng cách giữa các thế hệ rất khó lấp đầy.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP