Dữ liệu y khoa

Món cháo tăng dương khí cho mùa đông

  • Tác giả : LY. DS Chu Văn Tiến
(khoahocdoisong.vn) - Mùa đông âm khí (Hàn khí) lưu hành, phát triển là nguyên nhân khởi phát và tái phát các căn bệnh hay gặp như cảm lạnh, đau nhức xương khớp, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, đau dạ dày do hàn, đột quỵ...

Để có một cơ thể khỏe mạnh cho mùa đông  ngoài mặc đủ ấm, tránh ăn các đồ lạnh, tập luyện thể dục thể thao, dưỡng sinh, yoga tăng cường sức khỏe, tăng độ dẻo dai chống lại bệnh tật....Nay xin được giới thiệu với độc giả món cháo dưỡng sinh tăng cường dương khí cho mùa đông nhằm giúp mỗi chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh hơn trong mùa lạnh giá.

Nguyên liệu: Gạo nếp thơm 02 – 300g, rau sam 2 nắm to, muối vừng đen đủ dùng (đây là khẩu phần cho khoảng 04 – 05 người ăn ).

Chế biến: Gạo nếp đem vo sạch, chế đủ nước đem ninh nhừ, rau sam rửa sạch để ráo nước cắt nhỏ vừa ăn. Khi cháo nhừ đủ độ sánh đem chế rau sam vào đậy vung đợi sôi một, hai dạo cho rau chín. Khi chín cháo có mùi thơm, sánh của gạo nếp, vị chua mát nhẹ của rau sam là đạt yêu cầu. Cháo múc ra bát cho muối vừng đen vào ăn nóng.

Món cháo được ăn khi nóng, giúp cơ thể loại bỏ cảm giác lạnh giá của mùa đông. Tuy các nguyên liệu trong bài thuốc không có vị nào tính nhiệt hay đại nhiệt nhưng khi kết hợp lại thành bài thuốc giúp tăng cường dương khí, loại bỏ âm khí – hàn khí mà cơ thể chúng ta sinh ra hay bị nhiễm từ bên ngoài vào. Món cháo này thích hợp cho mùa đông, những người dễ bị cảm lạnh, dương khí suy yếu.

Theo y học cổ truyền, gạo nếp vị ngọt, tính ôn, vào tỳ vị và phế, có tác dụng ích khí, cố biểu (làm vững, mạnh, củng cố vùng chân lông không cho tà khí xâm nhập) chỉ tả (cầm ỉa chảy), bổ trung, kiện tỳ (khỏe tiêu hóa) nên được sử dụng nhiều trong việc điều trị các chứng như tự hãn, di niệu, tiểu đường, tiểu rắt, tiêu chảy, đau dạ dày...

Rau sam có vị chua, có kháng sinh tự nhiên, có khả năng giải độc, tiêu thũng. Vì rau sam có vị chua, nên rất tốt cho kích thích tiêu hóa, giảm trướng bụng. Dùng để trị  viêm ruột cấp, mạn tính, trị giun đũa, giun kim, lỵ...

Theo y học hiện đại rau sam có nhiều axit béo omega-3, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể. Trong rau sam cũng có nhiều chất bổ dưỡng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều axit béo, làm lành vết thương, thúc đẩy hình thành, tái tạo sụn, dịch ổ khớp.  Rau sam rất giàu chất dinh dưỡng, các axit béo không no và chất chống oxy hóa. Rau sam có tác dụng diệt được các loại vi khuẩn như Shigella (gây bệnh lỵ)... Chữa xơ vữa động mạch, làm hạ độ cholesterol trong máu, khí hư, bạch đới ở phụ nữ...

Vừng đen vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ ích can thận, dưỡng huyết, khu phong, nhuận tràng, bổ ngũ tạng, tăng khí lực, làm sáng mắt, phát triển bắp thịt, bổ ích tinh tủy.

Muối ăn hay còn gọi thực diêm trong bài thuốc này có vai trò lương huyết, nhuận táo, dẫn các thuốc khác vào kinh lạc, đưa dương khí tới các tổ chức cơ thể. Tuy nhiên, đối với những người bị tỳ vị quá hư hàn, tiêu chảy và phụ nữ có thai không nên dùng rau sam. Những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng, khi sử dụng bài thuốc này cần phối hợp với những vị thuốc cay, ấm như gừng tươi để không làm trệ tỳ…

Lương y DS Chu Văn Tiến
(Hội Đông y huyện Vĩnh Tường)

LY. DS Chu Văn Tiến

BẢN DESKTOP