Dữ liệu y khoa

Món ăn phòng trị cảm cúm

  • Tác giả : DS. Lê Điềm
(khoahocdoisong.vn) - Cảm cúm là một bệnh lý có tính chất dịch lệ theo mùa, theo y học cổ truyền do phong tà xâm nhập cơ thể, được xếp vào chứng thương phong với các dấu hiệu sốt hoặc không sốt, cơ thể đau nhức, đau đầu, ngạt mũi chảy nước mũi…

Hiện hai nền y học có nhiều phương pháp phòng trị khác nhau như uống thuốc, bổ sung sinh tố nâng cao sức đề kháng, xoa bóp, đánh gió, xông hơi, chích máu, châm cứu...Nay xin giới thiệu một số món ăn bài thuốc từ những nguyên liệu rất thân quen, dễ tìm kiếm để tham khảo, áp dụng khi cần thiết.

Si rô tỏi

Nguyên liệu: Tỏi 500g, giấm 500ml, đường đỏ 500 - 700g.

Tỏi bóc vỏ, giã nhuyễn để ra ngoài không khí khoảng 5 - 10 phút cho tỏi kết hợp với oxy cùng với sự xúc tác của anilaza (chất aliin có trong tỏi thành allicin). Sau đó đem tất cả cho vào lọ thủy tinh trộn đều ngâm trong 7 – 10 ngày đem ra dùng. Mỗi lần dùng 2 - 3 thìa cà phê, ngày 2 - 3 lần, uống trực tiếp hay pha loãng với nước sôi để nguội hoặc đem dùng như một gia vị trong bữa ăn. Có thể dùng liên tục kéo dài trong năm, là phương thuốc phòng trị cảm cúm, viêm mũi họng, ho lâu ngày, hội chứng lỵ.

Cháo giải cảm

Nguyên liệu: Gạo tẻ khoảng 10 - 200g, hành lá cả rễ (được hành tăm càng tốt) khoảng 50g, lá tía tô khoảng 30 – 40g, gừng tươi 5 – 10g, trứng gà 01 quả, gia vị (tiêu, muối, bột ngọt...) đủ dùng.

Gạo vo sạch chế nước ninh nhừ, hành, tía tô, gừng rửa sạch thái sợi. Khi cháo chín nhừ đập trứng gà vào, nêm rau trộn đều đun tiếp đến sủi lăn tăn là được. Múc cháo, nêm gia vị ăn nóng, ăn xong đắp chăn kín người cho ra mồ hôi. Khi mồ hôi ngừng ra có thể dùng nước nóng lau người hoặc lau khô người thay quần áo tránh gió lùa. Bài thuốc thích dụng cho những người bị cảm lạnh, cảm cúm với các triệu chứng sốt, ớn lạnh người, ho, đau nhức mình mẩy, hắt hơi, sổ mũi....Có thể dùng món cháo ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, ăn 1 – 2 lần trong ngày đến khi khỏi. Món cháo gồm tổng hợp các vị thuốc từ bồi bổ cơ thể (cháo trứng), ăn nóng cung cấp nhiệt lượng vào bên trong, hành, tía tô, gừng là những kháng sinh tự nhiên, có tính sát khuẩn mạnh, từ xa xưa được cha ông ta và ghi chép trong các y văn cổ dùng để chữa cảm cúm rất nhạy. Đồng thời giúp lỗ chân giúp lông mở to đưa độc tà ra ngoài, kết hợp với các vị còn lại nâng cao sức khỏe bồi bổ chính khí cho cơ thể. Bài thuốc này rất hữu dụng khi mắc chứng cảm, cúm chưa có bội nhiễm, chỉ cần ăn uống đủ dưỡng chất, uống đủ nước, nghỉ ngơi, giữ gìn vệ sinh là bệnh có thể tự lui không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh.

Gừng, hành, tỏi trị cảm cúm  

Nguyên liệu: Gừng sống 4 - 5 lát, hành khô 1 – 2 củ (hoặc hành tươi 2 – 3 cây cả rễ), tỏi 1 – 2 củ.

Tỏi đập dập, gừng, hành rửa sạch đập dập, thái lát hoặc cắt khúc. Cho vào nồi chế 2 – 3 bát nước đun sôi 2 – 3 dạo chắt lấy nước uống nóng. Uống xong người nóng lên, toát mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi thì càng tốt. Nếu bệnh mới mắc chỉ uống 2 – 3 lần là hiệu quả. Bài thuốc thích hợp cho các đối tượng từ trung niên trở lên mắc chứng cảm lạnh, cảm cúm (chưa bội nhiễm) có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau mỏi toàn thân, sợ gió, hắt hơi, sổ mũi.

Kinh giới, húng chanh, hẹ, hoa đu đủ đực hấp đường phèn

Lá kinh giới 5 – 10 lá, húng chanh 5 – 10 lá, lá hẹ 2 – 3 nhánh,  hoa đu đủ đực chớm nở 1 – 2 chùm nhỏ, đường phèn 10 – 20g.

Chế biến: Tất cả rửa sạch để ráo nước, cho vào bát, cho đường phèn vào đem đun nhỏ lửa, hấp cách thủy 20 – 30 phút. Để nguội chiết lấy dịch cho trẻ nhỏ uống 3 – 5ml/ lần ngày 2 – 3 lần. Bài thuốc rất thích hợp với trẻ nhỏ mắc chứng cảm cúm (chưa bội nhiễm) với các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi...

Theo Đông y, các vị thuốc trên đều có vị cay ấm, có tác dụng trừ phong, giải biểu, thông phế, lợi hầu họng, dùng để điều trị cảm cúm, nhiễm lạnh, viêm họng, viêm amidal.

Với y học hiện đại, vị thuốc có tính kháng khuẩn rất tốt, giãn nhẹ cơ trơn phế quản, được sử dụng nhiều trong dân gian để chữa cảm lạnh, cảm cúm. Đây đều là vị thuốc đầu tay trong điều trị cảm cúm, ho sốt trẻ em trong dân gian.

Để phòng trị cảm cúm hiệu quả, ngoài ăn, uống đầy đủ dưỡng chất, thể dục, tập luyện, nghỉ ngơi, dùng thuốc, thực dưỡng hợp lý thì vệ sinh là khâu góp phần không nhỏ. Cần giữ ấm đường hô hấp (mũi, miệng, họng, cổ), lòng bàn chân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Rửa sạch tay sau khi đi ngoài đường về và trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc môi trường không sạch cũng được coi là biện pháp hữu hiệu trong phòng và điều trị cảm cúm.

Chú ý: Những bài thuốc có thành phần là tỏi có tính nóng cao nên không dùng cho người nóng trong hay bị nhiệt, phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh, người thừa axit dịch vị dạ dày nên giảm liều tỏi.

DS Lê Điềm (Vĩnh Phúc)

DS. Lê Điềm

BẢN DESKTOP