Nguyên nhân thường do chế độ dinh dưỡng không khoa học, ăn nhiều chất béo, ít chất xơ và rau xanh. Hằng ngày ít vận động, ngồi nhiều do môi trường công việc, ít tập thể dục thể thao. Đôi khi do yếu tố tinh thần hay lo lắng, buồn phiền, trầm cảm, mất phản xạ mót rặn. Một nguyên nhân nữa hay gặp ở người bị suy nhược cơ thể, trẻ ít vận động, nhu động ruột kém cũng gây táo bón.
Khi bị táo bón, dù do nguyên nhân gì cũng cần đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Có thể uống thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc, có thể dùng thuốc bôi hay chè thanh nhiệt đều có tác dụng tốt. Dưới đây xin giới thiệu những món ăn giúp cho bệnh táo bón được cải thiện.
Rau chân vịt xào thịt bò: Thịt bò thái mỏng 200g ướp gia vị, hành khô 15 phút, xào qua cho ngấm gia vị sau đó cho ra ngoài, xào rau chín lại cho thịt vào xào lẫn, nêm gia vị ăn nóng trong ngày. Tuần ăn 3 bữa.
Quả lặc lè luộc chấm vừng: Lặc lè 200g rửa sạch luộc như luộc rau, khi chín để nguội chấm vừng ăn với cơm hay ăn riêng đều được. Những món ăn này có tác dụng nhuận tràng, làm cho phân mềm, hết táo bón.
Rau quỳ luộc: Tùy theo lượng, rau rửa sạch luộc chín, để nguội ăn. Rau này làm cho đi ngoài dễ dàng, thông ruột, hết táo bón, tăng nhu động ruột.
Chuối tiêu chín: Chuối tiêu có vị ngọt thơm, tính hàn lạnh nên có tính chất nhuận tràng, chữa táo bón. Có thể ăn chuối chín ngày 2 quả chia 2 lần. Cách khác, lấy 2 quả chuối để cả vỏ cho vào hầm chín ăn cả vỏ, tác dụng chữa trĩ, táo bón, đi ngoài ra máu tươi.
Có thể lấy chuối tiêu hầm với đường phèn, bóc vỏ chuối, thái miếng hầm cách thủy với đường phèn vừa đủ, ăn 2 lần trong ngày. Tác dụng, chữa bệnh táo bón cho ruột tăng nhu động.
Hoa chuối tiêu hầm tim lợn ăn cả nước lẫn cái, tác dụng tan cục máu đông, dưỡng tâm an thần, thông mạch, chống táo bón.
Trong thời gian trị bệnh không ăn thức ăn cay nóng, không uống nước có gas, người lớn không uống rượu bia.
BS Kim Lan (nguyên cán bộ Viện Châm cứu T.Ư)