Chữa bệnh không dùng thuốc

Món ăn cho người mắc bệnh thủy đậu

Thuỷ đậu là bệnh có khả năng lây nhiễm cao, chỉ cần tiếp xúc thông thường về da, chạm vào nước dịch mụn nhọt là đã có thể bị lây bệnh.  Thông thường  mỗi người chỉ bị thuỷ đậu một lần và có miễn dịch ngay sau khi bị bệnh, nhưng nếu sức đề kháng yếu thì bệnh vẫn có thể tái phát.

Để điều trị cho bệnh nhân thủy đậu, ngoài thuốc cần chú trọng chế độ dinh dưỡng. Nếu được điều trị đúng cách thì sau khoảng 15 ngày các nốt phỏng sẽ xẹp xuống và bong vảy. Trong suốt thời gian phát bệnh, người bệnh cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, các món ăn phải dễ tiêu, ví dụ như cháo. Theo kinh nghiệm dân gian, có một số món cháo  được cho là rất tốt cho bệnh nhân thuỷ đậu,

Cháo đậu xanh : Nước đậu xanh pha với ít đường hoặc nấu cháo với các loại đậu rất mát, tốt cho người bệnh.

Cháo lá sen: Sen được biết đến như một loại hoa đa năng vì không chỉ có hạt, nhuỵ  mà lá sen cũng có thể làm thực phẩm rất ngon. Với người bị thuỷ đậu, chỉ cần nấu 100g lá sen tươi với gạo lứt, thêm chút đường phèn, cho uống cách ngày.

Cháo lá tre: Là phương thức chữa bệnh được cho là rất hiệu quả. Cách làm là lấy lá tre non tươi nấu cháo. Trước đó đã rửa sạch lá tre và chần qua nước sôi để loại bỏ vi trùng trước khi nấu.

Nước gà hầm xương heo: Nên cho người bệnh uống thường xuyên đẻ bù lại lượng nước mất do mụn vỡ. Kiêng các thức ăn mà người bệnh bị dị ứng trước đó.

 Bổ sung dầu ăn vào thực đơn. Chú ý cung cấp đủ 4 nhóm thức ăn: bột đường, đạm, chất béo và vitamin khoáng  tố ( nhớ bổ sung kẽm). Dầu ăn còn là môi trường cho các vitamin A, D, E, F, K được hoà tan và hấp thu vào cơ thể và là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu khi cơ thể người bệnh đang suy yếu. Đối với trẻ em bị bệnh, bố mẹ phải lựa chọn kỹ dầu ăn sao cho an toàn, phù hợp để bổ sung dinh dưỡng và giúp gia tăng sức đề kháng của cơ thể trẻ.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, khi chăm sóc người bệnh cần lưu ý, khi xuất hiện vài nốt mụn nhỏ cũng cần cách ly người bệnh, không nên chủ quan vì bệnh lan rất nhanh. Phải luôn giữ  da thật sạch sẽ. Người bệnh cần mặc áo mỏng, thoáng để không làm cọ sát gây vỡ mụn. Toàn bộ quần áo phải được giặt hàng ngày bằng xà phòng và ủi trước khi mặc.

Thuỷ đậu chưa có thuốc đặc trị, do đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm vacxin ngừa thuỷ đậu là cách phòng bệnh hiệu quả. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thuỷ đậu trước khi mang thai 3 tháng. Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vacxin này.

BS. Ngô Văn Tuấn (Phòng khám đa khoa Lý Nam Đế, Huế)

BẢN DESKTOP