Dữ liệu y khoa

Món ăn bồi bổ cho người già viêm phế quản mạn tính

  • Tác giả : Lương y Hoài Vũ
(khoahocdoisong.vn) - Viêm phế quản mạn tính là bệnh hay phát thường gặp ở người già do sức đề kháng yếu, viêm phế quản bị nhiễm khuẩn nhiều lần gây nên. Để phòng bệnh và phối hợp trị liệu nên thực hiện các món ăn – bài thuốc bồi bổ.

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Khi bị mắc viêm phế quản, người bệnh thường ho, khạc đờm. Có hai loại viêm phế quản, bao gồm viêm phế quản cấp tính và mạn tính: Viêm phế quản cấp: Là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản ở ngưởi trước đó không có tổn thương, thường do vi khuẩn, virus hoặc cả hai. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, nó sẽ kích thích liên tục các ống phế quản, đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm. Viêm phế quản mạn tính có cấp độ nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.

Hiện nay, tỷ lệ người mắc phải căn bệnh viêm phế quản đang ngày một gia tăng, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh. Nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do: Khói thuốc lá, sức đề kháng kém, tiếp xúc với các chất kích thích trong công việc (dệt may, cơ khí hoặc tiếp xúc với hóa chất hoặc khói...) và trào ngược dạ dày (sự lặp đi lặp lại các cơn ợ nóng, ợ chua có thể gây kích thích cổ họng và làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản).

Khi bị viêm phế quản cấp tính sẽ xuất hiện những triệu chứng cảm lạnh như nhức đầu nhẹ hoặc cơ thể bị đau nhức, khó thở hoặc tức ngực... thêm vào đó, các cơn ho sẽ dai dẳng kéo dài trong vài tuần sau khi chứng viêm đã hết. Đối với viêm phế quản mạn tính sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi bệnh trở nên tồi tệ. Người bệnh cần đi khám bác sĩ khi: Ho kéo dài hơn 3 tuần; Khó ngủ; Sốt cao hơn 38 độ C; Ho có đờm nhầy lẫn máu; Khó thở, tức ngực.

Để giúp giảm nguy cơ và phòng ngừa bệnh viêm phế quản, hãy: Tránh xa khói thuốc lá; Uống nhiều nước; Tiêm chủng hàng năm giúp bảo vệ sức khỏe cũng như tránh bị cảm cúm và bảo vệ chống lại một số loại viêm phổi; Rửa tay với nước rửa tay thường xuyên; Tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc cúm; Đeo khẩu trang y tế... và đặc biệt là cần biết cách bồi bổ:

Canh cá diếc: Chọn cá diếc to khoảng 250g, thêm khấu nhân 3 – 5g. Cá làm sạch cho khấu nhân vào trong bụng cá, rán qua cá bằng dầu vừng, cho nước, ít muối và gừng tươi vào nấu canh ăn.

Hấp suông tứ bạch: Vịt trắng 1 con, bách hợp 50g, hạt cải trắng 30g, bạch quả 20 hạt (bỏ vỏ, bỏ lõi), bột điều thất 5g. Vịt làm sạch bỏ ruột, chặt miếng nhỏ, cho bột điều thất vào trộn đều, bách hợp và hạt cải trắng cho vào vải thưa 2 lớp bọc lại, buộc chặt, cho vịt vào cùng các loại thuốc hấp hoặc hầm cũng được. Thịt chín bỏ túi thuốc, ăn thịt, uống canh.

Cháo nhân sâm, tắc kè: Bột tắc kè 2g, bột nhân sâm 3g, gạo nếp 50 – 100g. Trước tiên nấu cháo loãng, khi cháo chín còn nóng thì cho bột nhân sâm và tắc kè vào khuấy đều, ăn nóng.

Canh yến xào, bạch chỉ: Yến sào, bạch chỉ mỗi loại 20g, cho vào trong bát sứ, cho nước vừa, đun cách thủy đến khi chín nhừ. Lọc bỏ bã, cho thêm đường phèn, đun sôi nhào là được, mỗi ngày ăn 1 - 2 lần.

Canh phổi lợn, củ cải trắng, hạnh nhân: Phổi lợn 1 cái, củ cải trắng 1 củ (thái miếng nhỏ), hạnh nhân 10g, hầm chín ăn.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Lương y Hoài Vũ

BẢN DESKTOP