Dữ liệu y khoa

Món ăn, bài thuốc phòng chữa viêm tắc động mạch chi

  • Tác giả : ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện T.
Viêm tắc động mạch dễ biến chứng teo cơ, lở loét, hoại tử và rụng các ngón tay, chân. Đặc biệt, bệnh có thể gây ứ đọng máu trong lòng mạch tạo cục máu đông gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc động mạch phổi… dẫn đến tử vong trong vài phút.

Trong y học cổ truyền, viêm tắc động mạch chi được mô tả từ rất sớm trong phạm vi chứng “thoát hư” và được phòng chống bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc sử dụng món ăn – bài thuốc tùy theo chứng trạng và thể bệnh.

Thể hư hàn

Chứng trạng người bệnh sợ lạnh, thích ấm, chi thể lạnh lẽo, đau đớn, nhức nhối, tê bì, tăng lên khi lạnh, giảm khi chườm hoặc ngâm nước nóng, sắc da nhợt nhạt, vết loét xám tối, chất lưỡi nhợt tía, rêu lưỡi trắng nhờn.

Món ăn cháo ức gà: Thịt ức gà 250g thái miếng đem ướp với gừng thái chỉ, hành củ giã nát, muối và một chút rượu vang trong 60 phút rồi đem ninh với 250g gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Ích khí ôn kinh.

Gà hầm hồng hoa: Thịt gà 250g, hồng hoa 15g. Thịt gà thái miếng đem hầm chín rồi cho hồng hoa vào đun tiếp, khi được chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Ôn thông kinh mạch, ích khí hoạt huyết, chỉ thống, tốt cho bệnh nhân bị viêm tắc động mạch.

mon-an-tac-mach.jpg
Món ăn, bài thuốc phòng chữa viêm tắc động mạch chi.

Thể nhiệt ứ

Chứng trạng người bệnh thích lạnh, sợ nóng, chi thể đau đớn, nhức nhối như lửa đốt, đau kịch liệt về đêm, chườm lạnh thì đỡ, chườm nóng đau tăng, da vị trí bị bệnh sắc đỏ tía, sưng nề, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ giáng, rêu lưỡi vàng, mạch trầm hoặc tế sáp.

Cháo lệ chi: Lệ chi 5 quả đem nấu với 30g gạo tẻ thành chào, ăn nguội. Công dụng: Thanh nhiệt dưỡng âm, trừ phiền.

Rượu đan sâm: Đan sâm 30g thái vụn đem ngâm với 500ml rượu trắng, sau 7 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 20 – 30ml.

Thể huyết ứ

Chứng trạng chi bị bệnh lạnh, căng trướng, tê bì, đau cách hồi, đau nhiều về đêm, sắc da đỏ tối hoặc đỏ tía, hoặc xanh tía, chất lưỡi tía, có điểm hoặc mảng huyết ứ, mạch trầm tế hoặc trầm sáp.

Rượu hồng hoa: Hồng hoa 30g đem ngâm với 500ml rượu trắng, sau 7 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 20 – 30ml. Công dụng: Ôn kinh hoạt huyết, chỉ thống.

Cháo thịt dê: Thịt dê 200g, hồng hoa 10g, gạo nếp 250g. Thịt dê thái miếng, ướp với gia vị rồi đem ninh với hồng hoa và gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Ôn kinh hoạt lạc, khứ ứ chỉ thống.

Cháo xuyên khung: Xuyên khung 6g và hoàng kỳ 15g đem sắc lấy nước rồi ninh với 50g gạo nếp thành cháo, ăn trong ngày.

Thể nhiệt độc

Chứng trạng các ngón chân hoặc tay bị bệnh tía xám hoặc hoại tử khô đen, đau như bị thiêu đốt, đau kịch về đêm, thậm chí bị bong rụng, có thể bị sốt, môi khô, họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch tế sắc.

Cháo rau sam: Rau sam tươi 250g, huyền sâm 10g, cam thảo sống 10g, dầu vừng 10g, giấm chua 10g, gạo tẻ 60g. Đem huyền sâm và cam thảo sắc trong 20 phút, bỏ bã lấy nước rồi ninh với gạo thành cháo, sau đó cho rau sam thái nhỏ vào đun thêm vài phút nữa là được, cho dầu, giấm và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, dưỡng âm, trừ ứ.

Canh măng hồng hoa: Hồng hoa 5g, xuyên khung 5g, măng tươi 200g. Đem xuyên khung sắc trong 10 phút, bỏ bã lấy nước, cho tiếp hồng hoa vào đun trong 10 phút, bỏ măng tươi đã thái chỉ vào đun chín là được. chế thêm gia vị dùng làm canh ăn. Công dụng: Hoạt huyết thông lạc, khứ mủ chỉ thống.

mon-an-chi.jpg

Thể khí huyết lưỡng hư

Chứng trạng thể chất gầy mòn, tinh thần mệt mỏi, thần sắc nhợt nhạt, hay chóng mặt, hồi hộp, sợ lạnh, dễ vã mồ hôi, da khô bong vẩy, móng chân khô dày, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lõng loãng, cơ nhục teo nhẽo, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế vô lực.

Cháo đậu tương: Đậu tương 1 bát, gạo tẻ 90g, đường đỏ 50g. Đậu tương ngâm bỏ vỏ đem nấu với gạo thành cháo rồi cho thêm đường đỏ, ăn trong ngày. Công dụng: Ích khí dưỡng huyết, hoạt huyết.

Thịt dê nấu đậu phụ: Thịt dê 50g, gừng tươi 10g, đậu phụ 250g. Thịt dê thái miếng, ướp gừng tươi thái chỉ ninh nhừ cho đậu phụ vào đun sôi vài dạo là được, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: ôn trung, bổ hư, điều hòa khí cơ.

Thịt dê hầm hoàng kỳ: Thịt dê 1kg thái quân cờ đem hầm với hoàng kỳ 50g, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng: Bổ khí dưỡng huyết.

Thể thận hư

Chứng trạng tinh thần mệt mỏi, sắc mặt nhợt xạm kém tươi, miệng nhạt không khát, đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, nửa người trên thì nóng, nửa người dưới thì lạnh, cơ bắp mềm nhẽo, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng.

Gà hầm phụ tử: Gà mái 1 con (vừa), phụ tử chế 8g, quế nhục 15g. Gà làm thịt sạch, bỏ nội tạng, cho phụ tử chế, quế nhục, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ vào trong bụng gà rồi đem hầm nhừ, ăn nóng. Công dụng: ôn thận tráng dương, thông kinh mạch.

Ba ba hầm đại táo: Ba ba 500g, sinh địa 20g, đại táo 30g. Ba ba làm thịt, bỏ nội tạng, cho sinh địa, đại táo và gia vị vừa đủ vào trong nồi đem hấp cách thủy. Công dụng: Tư âm thanh nhiệt, dùng cho thể thận âm hư.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện T.

BẢN DESKTOP