Doanh nghiệp

Mối tương quan giữa CEO và thể thao

Một trong những điểm chung quan trọng của các CEO nổi tiếng thế giới là: họ chơi thể thao từ khi còn trẻ.

Walter Robb – cựu CEO Whole Foods từng là đội trưởng đội bóng đá Stanford, Brian Moynihan – CEO Bank of America chơi bóng bầu dục tại Đại học Brown, CEO Facebook Mark Zuckerberg từng là ngôi sao môn đấu kiếm tại trường trung học.

CEO và thể thao

Các nhà điều hành nữ thậm chí còn chơi thể thao nhiều hơn các đồng nghiệp nam. Khi khảo sát 821 nữ lãnh đạo, Ernst & Young phát hiện có đến 90% người từng chơi thể thao. Trong số những phụ nữ đang nắm giữ các vị trí điều hành cấp cao, con số tương ứng lên đến 96%.

Ở trường trung học, Meg Whitman – CEO Hewlett-Packard từng là đội trưởng đội bơi lội và còn chơi thêm các môn bóng vợt, quần vợt và bóng rổ. Khi học ở Đại học Princeton, bà chơi bóng vợt và squash (một môn biến thể của quần vợt) tại “lò rèn” NCAA (Hiệp hội thể thao đại học Quốc gia, Mỹ).

Indra Nooyi – CEO PepsiCo từng chơi bóng gậy (cricket) ở trường đại học, Lynn Elsenhans – CEO Sunoco chơi trong đội bóng rổ nữ đầu tiên của Đại học Rice, Irene Rosenfeld – CEO Mondelez International từng chơi 4 môn thể thao trong đội tuyển ở trường trung học và chơi bóng rổ tại NCAA khi học Đại học Cornell.

Theo CNBC, dưới đây là một số lý do tại sao việc chơi thể thao có thể giúp tăng tỷ lệ thành công và thăng tiến trong môi trường kinh doanh:

1. Mang đến nhiều lợi ích phục vụ công việc kinh doanh

Thể thao giúp duy trì sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, dạy người chơi kỹ năng xây dựng mối quan hệ và duy trì lòng quyết tâm. Những điều này đều rất cần thiết trong môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, tỷ lệ các nữ lãnh đạo cấp cao từng chơi thể thao cao hơn nam giới được giải thích rằng, thể thao khuyến khích phụ nữ phá vỡ các rào cản về giới tính – yếu tố quan trọng giúp họ đạt được vị trí điều hành cấp cao trong doanh nghiệp.

2. Các tổ chức thể thao cũng là “tổ chức nghề nghiệp”

Là bệ phóng của các tài năng trẻ trong rất nhiều môn thể thao, có thể nói, NCAA đóng vai trò giống như một “trung tâm nghề nghiệp”.

Bởi lẽ trên thực tế, môn bóng vợt rất được các công ty tại Phố Wall ưa chuộng và họ thường xuyên tổ chức các giải đấu để tranh tài với nhau. Vì thế, các công ty này có xu hướng tuyển dụng nhiều nhân viên từng là cầu thủ bóng vợt. Được biết, có đến 42 cầu thủ bóng vợt giỏi nhất đang làm việc tại Phố Wall.

Nhà xã hội học Lauren Rivera tại Đại học Northwestern chia sẻ, tỷ lệ tuyển dụng thành công tăng nhanh nhất đối với những ứng viên từng chơi các môn thể thao phổ biến tại hệ thống các trường Ivy League cũng như các môn thể thao cấp câu lạc bộ như bóng vợt, khúc côn cầu, quần vợt, squash…

3. Việc chơi thể thao phản ánh tiềm năng lãnh đạo và khả năng tài chính

Những người có khả năng “chiến đấu” và có tiềm năng lãnh đạo dễ dàng được phát hiện khi chơi thể thao lúc còn trẻ. Hơn nữa, họ và gia đình thường thuộc tầng lớp giàu có, vì việc tham gia vào các đội thể thao đòi hỏi phải có sự đầu tư thời gian, công sức và cả nguồn lực tài chính lớn.

Vì vậy có thể nói, những người khá giả thường có xu hướng chơi thể thao và cũng có nhiều khả năng trở thành CEO hơn.

Bích Trâm (Theo DNSG)

BẢN DESKTOP