Giáo dục

Môi trường – ngành hot tương lai

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Môi trường được đánh giá là một trong những lĩnh vực "hot" trong tương lai, đặc biệt là ngành chính sách môi trường, quản lý môi trường, khoa học môi trường. Nhưng vì sao hiện tại "nguội lạnh"?

Chưa có nhận thức đúng về nghề nghiệp lĩnh vực môi trường

Nhìn vào điểm tuyển sinh đại học, ngành thuộc lĩnh vực môi trường năm 2019, có thể thấy, điểm chuẩn dao động từ 14 – 17 điểm, khá “mềm” so với các ngành “hot” khác.

Trong đó, đối với Trường Đại học Tài nguyên Môi trường, ngành cao điểm nhất là Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững có điểm chuẩn 15,50. Còn lại tất cả đều 14 điểm.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), khối ngành Khoa học Trái đất có 3 ngành điểm chuẩn cao nhất – 17 điểm gồm: Khoa học môi trường; Khoa học đất; Kỹ thuật môi trường. Còn lại là 16 điểm.

GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Tôi cho rằng, môi trường sẽ là một trong những ngành "hot" trong tương lai, nhất là ngành chính sách môi trường, quản lý môi trường, khoa học môi trường”.

Bởi vì, khi xã hội ngày càng phát triển thì chúng ta sẽ càng đối diện với nhiều vấn đề thách thức về môi trường, từ sự quá tải do dân số tăng; rác thải do lối sống tiêu thụ nhiều; ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa; đến biến đổi khí hậu, đe dọa tới tất cả các quốc gia.

Từ đó, rất cần một đội ngũ quản lý, phân tích chính sách, tạo lập chính sách môi trường và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sinh viên lại chưa “mặn mà” với ngành này.

"Vẫn có quan niệm học ngành môi trường ra hiểu nôm na là thủy văn, khí hậu, sông nước rác thải, vất vả, không sang trọng. Tức là chưa có nhận thức đúng về nghề nghiệp, thang giá trị cho nghề nghiệp ấy trong xã hội không được đề cao. Trong khi, nhiều học sinh chọn nghề theo tâm lý đám đông. Cho nên, đầu vào cũng hạn chế.

Thứ hai, có lẽ do công tác truyền thông về ngành này chưa được tốt, từ chính các trường đại học", ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, điều này cũng xuất phát từ nhận thức chung của xã hội: Nhiều người cho rằng, môi trường là vấn đề ở đâu, thậm chí của thế giới chứ không phải của mình. Mà không biết rằng, nó gắn với chúng ta hằng ngày.

"Ví dụ, khu rác thải Nam Sơn, nếu chỉ cần họ chặn ô tô một ngày thôi, thì liệu nhà mình ở Hà Nội có bị ảnh hưởng không? Nếu xã hội nhận thức được vấn đề này tốt thì ý thức bảo vệ, văn hóa môi trường sẽ tốt. Và từ đó, trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực này sẽ tốt hơn", GS.TS Hoàng Bá Thịnh chia sẻ.

“Theo tôi, nên đưa vấn đề giáo dục môi trường vào từ bậc học mầm non. Khi các em lớn lên, chúng ta sẽ có được những thế hệ có ý thức về bảo vệ môi trường. Và xử lý sai phạm môi trường phải nghiêm hơn nữa. Chứ phạt như “gãi ngứa” như hiện nay thì không có tác dụng. Tôi lấy ví dụ, một chủ doanh nghiệp, nếu xây dựng hệ thống nước thải cần 10 tỷ. Trong khi không xây, mỗi lần bị phát hiện chỉ phạt 50 triệu… thì họ sẽ dễ chọn bị phạt hơn”, GS.TS Hoàng Bá Thịnh.

Thiếu thông tin, thiếu đồng bộ từ chính sách

Năm 2019, các ngành thuộc khối ngành Khoa học Trái đất của Trường ĐHKHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn 16 điểm gồm Địa lý tự nhiên, Quản lý đất đai, Hải dương học, Khí tượng và khí hậu học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kỹ thuật địa chất, Địa chất học.

PGS.TS Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, Trường ĐH KHTN tâm tư: “Năm nay lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng giảm so với những năm trước đây. Hiện tại, xu thế xã hội thích những ngành liên quan tới công nghệ và kinh tế mà quên đi các ngành thực nghiệm khác”.

Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường ĐHKHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một chuyến đi thực tế.

Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường ĐHKHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một chuyến đi thực tế.

Khối ngành Khoa học Trái đất của ĐH KHTN gồm 4 khoa: Khoa địa lý, Địa chất, Môi trường và Khí tượng, Thủy văn hải dương học.

Đánh giá về cơ hội việc làm của khối ngành lĩnh vực môi trường, ông Thành cho biết, các vấn đề tài nguyên, môi trường, hiện nay đang rất "nóng", hầu như liên quan tới tất cả các lĩnh vực, cho nên cơ hội việc làm rất tốt, thậm chí cung không đủ cầu.

Trong đó, tiêu biểu là ngành quản lý tài nguyên môi trường, mới chỉ có một số trường đào tạo. Các sở, ban ngành đang rất thiếu nguồn nhân lực này.

Ngoài ra, ngành nghiên cứu về biến đổi khí hậu cũng rất "nóng". Vì biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực.

Ví dụ, theo kịch bản nước biển dâng RCP8.5 của Bộ TN&MT, mực nước biển dâng trung bình cho toàn dải ven biển Việt Nam đến năm 2100 là 73cm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… cũng như đời sống con người.

Đặc biệt, các vấn đề như nóng lên toàn cầu, lũ lụt… đều liên quan tới biến đổi khí hậu.

Hoặc ngành kỹ thuật địa chất sẽ liên quan đến việc khảo sát thiết kế công trình xây dựng, giao thông nói chung. Ngay cả đối với nhà dân, từ 3 – 4 tầng trở lên đều phải có khảo sát xây dựng.

"Như vậy, có thể nói, với các khối ngành này nói chung, sinh viên ra trường, cơ hội việc làm rất lớn. Riêng đối với Trường ĐH KHTN, có những đơn vị năm nào cũng xuống khoa xin sinh viên nhưng khoa không đủ sinh viên đáp ứng. Chưa kể, học ngành này, các em có nhiều cơ hội đi du lịch "miễn phí", được tới nhiều vùng miền Tổ quốc với những thắng cảnh tươi đẹp. Tuy nhiên, điều éo le là thí sinh lại chưa “mặn mà” với ngành", PGS.TS Đinh Xuân Thành chia sẻ.

Điều này theo ông Thành, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do thí sinh chưa có đủ thông tin về ngành nghề. Tuy nhiên, cũng một phần xuất phát từ chính sách, cần phải có sự thay đổi đồng bộ từ nhiều phía.

Ví dụ, chính sách tuyển sinh, cần phải có sự ưu tiên đối với những ngành nghề khó tuyển.

Đặc biệt, là sự thay đổi từ chính ngành nghề và chính sách nhà nước với lĩnh vực này. Ví dụ, Tổng cục địa chất phải có xu thế mới hơn hội nhập với quốc tế. Hoặc ngành địa chất biển, hiện tại cũng chỉ mới điều tra diện tích ven bờ rất hẹp. Trong khi đó, thềm lục địa của nước ta ước khoảng1 triệu km2.

Hoặc như băng cháy, được coi là nguồn năng lượng của tương lai. Việt Nam được đánh giá có trữ lượng băng cháy khá lớn, nhưng hiện nay mới đang điều tra một cách rất sơ lược về nguồn tài nguyên này, trong đó có vùng biển Tư Chính.

"Ngoài ra còn nhiều khoáng sản, hiện tại cũng mới điều tra rất sơ lược. Nếu được Nhà nước chú ý đầu tư, thì cũng sẽ thu hút nguồn nhân lực tốt vào những ngành nghề này", PGS.TS Đinh Xuân Thành nói.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP