Khám phá

Mối nguy hiểm khi trí tuệ nhân tạo bị kẻ xấu lợi dụng

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Cảnh báo của FBI và Check Point đã khiến nhiều người lo ngại, khi viễn cảnh trí tuệ nhân tạo bị lợi dụng và trở thành tay sai của kẻ xấu giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hoàn toàn có thể xảy ra.

Trí tuệ nhân tạo giúp cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên thuận tiện nhưng khi bị kẻ xấu lợi dụng và dùng sai mục đích, nó có thể trở thành công cụ nguy hiểm.

Đầu năm nay, các chuyên gia của hãng nghiên cứu bảo mật Check Point (Israel) đã lên tiếng cảnh báo về việc tin tặc lợi dụng ChatGPT, một trong những phần mềm trí tuệ nhân tạo được đánh giá là thông minh nhất hiện nay, để phát triển mã độc và các công cụ hack.

Check Point cho biết một tin tặc đã chia sẻ lên diễn đàn nổi tiếng dành cho hacker loại mã độc nhắm đến nền tảng Android, mà theo hacker này được lập trình bởi ChatGPT. Mã độc này có khả năng lây nhiễm lên smartphone chạy Android để lấy cắp dữ liệu.

Hacker này cũng đã trình diễn một mã độc khác được viết bởi ChatGPT, có khả năng xâm nhập vào máy tính để mở cửa hậu, cho phép tin tặc có thể âm thầm xâm nhập vào máy tính hoặc cài đặt thêm các loại mã độc khác nhau lên thiết bị.

Ngoài ra, cục điều tra Liên bang (FBI) vừa đưa ra một lời cảnh báo về việc tội phạm mạng và tin tặc đang tận dụng các chương trình A.I để tạo ra phần mềm độc hại và lên kịch bản cho những hành vi lừa đảo trực tuyến.

Dựa vào những đoạn mã do A.I viết ra, tin tặc có thể tinh chỉnh để thêm các chức năng cho các loại mã độc. Điều này cho phép tin tặc có thể rút ngắn thời gian xây dựng các loại mã độc, giúp chúng có thể qua mặt được các phần mềm bảo mật để xâm nhập vào máy tính của nạn nhân. Ngoài ra, tin tặc còn có thể nhờ phần mềm A.I xây dựng các trang web một cách nhanh chóng để phát tán mã độc lên internet.

Tội phạm mạng còn lợi dụng A.I giúp tạo những hình ảnh hoặc giọng nói giả mạo để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo người thân của họ nhằm lấy cắp tiền. FBI cho biết các phần mềm A.I còn bị tội phạm công nghệ cao lợi dụng để ghép mặt người khác vào những hình ảnh và video khiêu dâm, từ đó tống tiền các nạn nhân.

"Chúng tôi đã dự đoán về việc tội phạm mạng tận dụng các chương trình A.I để làm công cụ phát triển mã độc hoặc lên kịch bản lừa đảo và điều đó đã diễn ra đúng như dự kiến", một quan chức cao cấp của FBI chia sẻ.

FBI không đề cập cụ thể loại phần mềm A.I mà các tin tặc đang lợi dụng, nhưng cho biết các loại phần mềm A.I mã nguồn mở và phổ biến hiện nay đều có thể bị tin tặc lợi dụng.

FBI nhận định rằng các hình thức tấn công mạng và lừa đảo trực tuyến lợi dụng A.I là vấn đề gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và đang tìm giải pháp để xử lý vấn đề, bao gồm đề nghị các công ty phát triển A.I hợp tác để có giải pháp nhận diện những nội dung giả mạo được tạo ra bởi A.I./.

Tuấn Huy (T/H)

BẢN DESKTOP