Dữ liệu y khoa

Mối liên quan giữa tình dục và bệnh lý tuyến giáp

  • Tác giả : ThS.BS Mai Văn Sâm (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
(khoahocdoisong.vn) - Tình dục là vấn đề mọi người đều quan tâm trong suốt cuộc đời, còn tuyến giáp thì không phải lúc nào chúng ta cũng để ý đến. Thế nhưng, đây là hai vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau.

Bệnh lý ở tuyến giáp thường là nguyên nhân gây những vấn đề về tình dục ở cả nam và nữ cũng như là nguyên nhân phổ biến của chứng vô sinh ở nam giới. Bệnh của tuyến giáp không hiếm nhưng cũng không quá nhiều, thường ai mắc bệnh thì mới quan tâm.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, nó kiểm soát các tế bào sử dụng năng lượng như thế nào. Nếu tuyến giáp hoạt động không hiệu quả nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tình dục của chúng ta. Những người có vấn đề với tuyến giáp đều bị ảnh hưởng ham muốn tình dục. Dưới đây là 5 vấn đề hay xảy ra có liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp.

Đau khi quan hệ tình dục

Bệnh tuyến giáp có thể làm giảm sự bôi trơn âm đạo, khiến cho tình dục không thoải mái, đau đớn hoặc không thỏa mãn - Hiệp hội Sức khỏe tình dục Hoa Kỳ (ASHA) cho biết và nếu nó không thỏa mãn, chúng ta có thể không có hứng thú. Trường hợp này, bôi trơn âm đạo là quan trọng cho khoái cảm tình dục nữ. Nếu âm đạo quá khô, dương vật có thể khó vào, gây ra ma sát hoặc kích thích. Người mắc bệnh tuyến giáp nếu thấy khô âm đạo, nên đến gặp bác sĩ để có thể sàng lọc về các vấn đề về tuyến giáp và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.

Testosterone thấp

Khi bị rối loạn tuyến giáp, có thể có testosterone thấp, điều này làm giảm ham muốn tình dục. Mặc dù testosterone thường được coi là hormone của người đàn ông, nhưng phụ nữ thực sự cũng sản xuất ra nó. Nó cũng chịu trách nhiệm cho các mức độ khác nhau của ham muốn tình dục ở nam và nữ.

Không cảm thấy hứng thú

Cả cường giáp và suy giáp đều có thể góp phần gây ra các vấn đề như trầm cảm và mệt mỏi, và hai vấn đề này đều có thể dẫn đến ham muốn tình dục thấp. Ví dụ, bệnh Basedow là loại bệnh cường giáp phổ biến nhất được biết là gây ra mệt mỏi và suy giáp có liên quan đến mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn tâm trạng, có thể góp phần gây ra rối loạn chức năng tình dục ở cả nam và nữ.

Xuất tinh sớm hay muộn hoặc không bao giờ lên đỉnh cùng nhau

Cho dù xuất tinh sớm hay chậm, vấn đề xuất tinh có thể gây khó chịu cho cả nam và nữ. Cả hai vấn đề này có thể đều liên quan với tuyến giáp. Xuất tinh chậm xảy ra khi người đàn ông không thể xuất tinh hoặc chỉ có thể làm như vậy sau khi quan hệ trong một thời gian dài, ví dụ như 30 - 40 phút. Xuất tinh sớm xảy ra khi một người đàn ông xuất tinh sớm hơn mong muốn. Hiệp hội Y học Tình dục Bắc Mỹ (SMSNA) báo cáo rằng, suy giáp làm tăng khả năng xuất tinh chậm, trong khi cường giáp làm tăng khả năng xuất tinh sớm.

Rối loạn chức năng tuyến giáp = Rối loạn cương dương

Các vấn đề về tuyến giáp có thể tạo ra sự mất cân bằng nội tiết tố, khiến nam giới gặp khó khăn trong việc đạt hoặc giữ cương cứng. Việc này khá phổ biến, đặc biệt là ở những người đàn ông bị suy giáp.

Các bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra rất nhiều vấn đề như béo phì, tim mạch, trầm cảm và tiêu biến tình dục. Với người bị suy giáp, các triệu chứng căn bản là mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da tóc khô, táo bón và đau khớp. Còn với cường giáp lại có triệu chứng là sợ nóng, mất ngủ, khát nước, giảm thị lực và vô sinh. Phụ nữ khi mắc bệnh tuyến giáp  có kinh nguyệt nhiều hơn, tần suất dày hơn và đau đớn, rất có thể liên quan đến vấn đề suy giáp.

Trong khi đó, kỳ kinh ngắn hơn, ít hơn, không thường xuyên hơn lại liên quan đến vấn đề cường giáp. Vô sinh có thể đi kèm với hiện tượng tuyến giáp gặp vấn đề. Các bệnh về giáp đều liên quan trực tiếp đến hormone, vì thế, cần điều trị ngay khi phát hiện bệnh. Bệnh nếu phát triển lâu dài sẽ làm mất cân bằng nội tiết tố estrogen, khiến người bệnh hết ham muốn và vô sinh. Bệnh tuyến giáp đặc biệt có tác động tới kinh nguyệt cũng như kỳ rụng trứng. Bệnh tuyến giáp ảnh hưởng tới khả năng có con, ảnh hưởng chất lượng tình dục nhưng may mắn là hầu hết các vấn đề tình dục sẽ biến mất khi các rối loạn tuyến giáp được điều trị.

ThS.BS Mai Văn Sâm (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

BẢN DESKTOP