Y học và đời sống

Mổ sớm phòng tránh ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi. Nữ giới mắc ung thư tuyến giáp nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 3:1. Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến giáp không có biểu hiệu, dấu hiệu rõ ràng nên khó phát hiện.

Kíp mổ do Ths.BS. Mai Văn Sâm thực hiện đối với bệnh nhân MVN.

Phẫu thuật sớm tránh ung thư

Bệnh nhân MVN sinh năm 1968 (Quảng Ninh) nhập viện Xanh Pôn ngày 24/1 với chẩn đoán bướu nhân thùy phải tuyến giáp. Trên hình ảnh siêu âm cho thấy có trục của u thay đổi trong khi bệnh nhân nam ít khi bị những biến chứng như thế này.

Trục u thay đổi là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp. Ths. BS Mai Văn Sâm, bác sĩ khám cho bệnh nhân N. cho biết, ông N phát hiện bệnh trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe. Do lo ngại ung thư tuyến giáp nên bệnh nhân đồng ý phẫu thuật.

Theo BS Sâm, bướu nhân tuyến giáp là tổn thương dạng khối khu trú nằm trong tuyến giáp, có thể là khối dạng đặc hoặc dịch hoặc hỗn hợp. Có thể là nhân lành tính hoặc ác tính. Bướu nhân tuyến giáp khá thường gặp, khám lâm sàng có thể phát hiện bướu nhân tuyến giáp khoảng 5% ở phụ nữ, 1% ở nam giới, tỷ lệ phát hiện qua siêu âm tuyến giáp lớn hơn nhiều, từ 19% đến 68%, tỷ lệ ung thư chiếm từ 7-15%.

Lứa tuổi hay gặp nhất là từ 36– 55 tuổi. ở bệnh nhân N, bướu nhân tuyến giáp không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh tình cờ phát hiện khi khám một bệnh khác. Khi bướu nhân tuyến giáp <1cm sẽ chưa xâm lấn các thành phần bên cạnh nên chưa có biểu hiện bệnh. Người bệnh chỉ phát hiện bất thường khi bướu nhân >1cm, nếu gần khí quản gây khó thở, gần thanh âm gây khàn tiếng…

Một số trường hợp, người bệnh có thể phát hiện bệnh khi vùng cổ to ra, có khối ở vùng cổ khi soi gương hoặc khi cài cúc cổ áo, cảm giác nuốt nghẹn, khó thở, nói khàn…Một số người có biểu hiện rối loạn chức năng tuyến giáp như run tay, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, lo âu, gầy sút cân, đặc biệt hay gặp trong bệnh Basedow với bướu giáp to lan tỏa cả 2 bên.

Khi bệnh nhân phát hiện vùng cổ to ra hoặc thấy khối tại vùng cổ; nuốt nghẹn, nói khàn; trong gia đình có người bị ung thư tuyến giáp hoặc có nhân tuyến giáp, có tiền sử chiếu xạ tại vùng cổ thì nên đến BV khám.

Dùng dao điện giảm chi phí, hồi phục nhanh

ở trường hợp bệnh nhân N, các bác sĩ đã lựa chọn dao điện với cường độ và mức độ nhẹ nhất, rạch một đường nhỏ khoảng 5cm trước cổ, nơi có ngấn cổ để dấu sẹo. Do sử dụng dao điện nên máu được cầm tức thì. Bệnh nhân không mất máu, mau bình phục, vết mổ đẹp. Sau mổ 15 phút bệnh nhân tỉnh, bác sĩ theo dõi tiếp chảy máu và dẫn lưu dịch nếu có. Khoảng 3-5 ngày bệnh nhân sẽ xuất viện.

Theo các bác sĩ, trong phẫu thuật bướu nhân tuyến giáp có thể dùng dao siêu âm, dao Ligasure, nhưng dao điện vừa giảm chi phí cho người bệnh, vừa tốt cho bệnh nhân do điều chỉnh cường độ dòng điện nhỏ, các tổ chức lân cận không bỏng sâu, vết mổ cầm máu nhanh, hồi phục nhanh.

Sau mổ tuyến giáp, tùy xét nghiệm tế bào, giải phẫu bệnh là gì, bệnh nhân sẽ được chỉ dẫn khám lại theo yêu cầu của bác sĩ. Nếu có nhân thì tùy vào tính chất của nhân để giám sát. Nếu nguy cơ ung thư tuyến giáp tỷ lệ thấp, hàng năm người bệnh được hướng dẫn kiểm tra lại.

Nếu nhân tuyến giáp có vi vôi hóa, bờ khối u không đều, ranh giới không rõ, trục khối u thay đổi từ ngang sang dọc, có xu hướng vuông góc với da, kéo da tụt xuống, tăng sinh mạch máu, kích thước to nhanh thì nguy cơ ung thư từ 70-90%, khi đó phải phẫu thuật.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP