Thời sự

Mổ khẩn cứu bé gái sinh non bị teo ruột từ trong bụng mẹ

  • Tác giả : Thúy Nga
Bé chào đời trong tình trạng bụng chướng căng phồng, tím tái, ngưng thở. Bác sĩ bóp bóng hồi sức, đặt nội khí quản cứu bé ngay tại phòng mổ...

Ở tuần 26, chị Hiền đi siêu âm tại bệnh viện tỉnh phát hiện thai bị dị tật teo ruột bẩm sinh nặng, có thể tử vong khi chào đời, bác sĩ khuyên đình chỉ thai.

Xót con, quyết không bỏ cuộc, vợ chồng chị tiếp tục lặn lội từ Vũng Tàu lên TP HCM, rồi ngược ra Hà Nội, gõ cửa nhiều bệnh viện lớn có tiếng nhằm tìm kiếm tia hy vọng nhưng kết quả chẩn đoán vẫn như cũ. Anh chị tiếp tục đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội rồi vào Tâm Anh TP HCM.

BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết thai bị dị tật teo ruột bẩm sinh, dọa sinh non, nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nếu quản lý thai kỳ tốt, kết hợp phẫu thuật ngay khi bé chào đời, cơ hội cứu sống cao.

Ba bác sĩ chăm sóc thai kỳ nguy cơ cao, sơ sinh và ngoại nhi tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM phối hợp theo dõi cho chị Hiền và thai nhi. Đến tuần thai 36, nước ối di chuyển chậm trong ruột, nghi xoắn ruột, bụng thai nhi phình to, ê kíp mổ khẩn cứu bé.

Bé chào đời trong tình trạng bụng chướng căng phồng, tím tái, ngưng thở. Bác sĩ Dung bóp bóng hồi sức, đặt nội khí quản cứu bé ngay tại phòng mổ. Vài phút hồi sức, bệnh nhi hồng trở lại, có nhịp thở, được chuyển về Trung tâm Sơ sinh thở máy, chăm sóc tích cực. Vì bụng chướng căng, bác sĩ phải tiến hành đặt sonde dạ dày hút được 200ml dịch màu xanh.

Mổ khẩn cứu bé gái sinh non ngừng thở bị teo ruột từ trong bụng mẹ

Mổ khẩn cứu bé gái sinh non ngừng thở bị teo ruột từ trong bụng mẹ

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, quyết định mổ khẩn để thông suốt chỗ tắc, tránh xoắn hay hoại tử ruột, viêm phúc mạc dẫn đến nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân gây nguy hại tính mạng bé. Toàn bộ ruột có tình trạng giãn, có đoạn giãn to và teo, đường kính chỉ bằng ống hút của hộp sữa. Sau mổ, bé hồng hào, ruột không xoắn, cấu trúc ruột bình thường.

"Nếu không can thiệp, ruột tắc, bé sẽ không ăn uống được phải lệ thuộc nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài, để lại biến chứng nặng liên quan đến dinh dưỡng, phát triển thể chất, chất lượng cuộc sống", bác sĩ Trọng nói.

Bác sĩ Trọng cho biết trải qua 60 ngày chiến đấu với tình trạng teo ruột nặng, song cân nặng em tăng gần bằng trẻ bình thường. Bé bú tốt, nặng 4,2kg, khỏe mạnh, xuất viện kịp về nhà trước Tết.

Trẻ mắc dị tật teo ruột non có thể phát hiện trong thai kỳ, nếu thai phụ tuân thủ khám thai định kỳ. Trường hợp không khám thai, trẻ chào đời có triệu chứng cảnh báo như bụng to, không chịu bú, nôn trớ khi bú. Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra và được phẫu thuật sớm phòng nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Ngọc Dung cho hay, yếu tố quan trọng nhất góp phần cứu sống bé là phát hiện sớm dị tật ngay từ trong bụng mẹ, giúp bác sĩ có kế hoạch theo dõi thai phụ và chăm sóc em bé sau sinh.

"Sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên khoa Sản, Sơ sinh và Ngoại Nhi đã giúp chúng tôi theo dõi sát sao tình trạng của bé từ lúc trong bào thai, sau sinh, chăm sóc sau mổ và theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau này. Quy trình liên hoàn, khép kín đã giúp tìm ra bệnh sớm, rút ngắn thời gian điều trị - điều mà không phải bệnh viện nào cũng có thể làm được”, bác sĩ Nguyễn Đỗ Trọng nói.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP