Liệt vì tập thể dục và tắm
Khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đang tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân 41 tuổi vào viện trong tình trạng: miệng méo sang trái, mắt phải nhắm không kín hở 1mm.
Bệnh nhân cho biết: khoảng 3 ngày nay bệnh nhân xuất hiện đau đầu âm ỉ, cùng ngày vào viện bệnh nhân có đi tập thể dục buổi sáng và tắm ngay sau khi tập về.
Sau tắm xuất hiện tình trạng mắt phải nhắm không kín, miệng lệch trái, ăn uống thức ăn tồn đọng bên phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Liệt dây thần kinh VII ngoại biên bên phải
Các bác sĩ khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết: Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là mất hoặc giảm vận động nửa mặt của những cơ bám da mặt do dây thần kinh VII chi phối, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền. Khi có các triệu chứng của liệt dây VII, cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ lưu ý người dân không thay đổi nhiệt độ cơ thể như tắm khi cơ thể nóng, tắm vào ban đêm, từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng hoặc từ ngoài vào phòng máy lạnh khiến cơ thể bị lạnh đột ngột rất nguy hiểm đến sức khoẻ.
Nhiều bệnh nhân Liệt VII ngoại biên do thói quen sinh hoạt không đúng |
Dấu hiệu nhận biết:
- Hai bên mặt không cân đối, trán mất nếp nhăn, lông mày hơi sụp xuống.
- Méo miệng, rãnh mũi-má mờ, mắt bên liệt nhắm không kín, không làm được các động tác huýt sáo, thổi lửa, chau mày…
Nguyên nhân:
- Do lạnh: hay gặp nhất chiếm đến 80%, thường sau một đợt lạnh và hay xảy ra vào ban đêm…
- Do viêm nhiễm: Viêm tai giữa, zona virus..
- Do chấn thương : sau ngã chấn thương đầu, vỡ xương đá, phẫu thuật vùng tai xương chũm…
Điều trị
Theo các bác sĩ khoa Y học cổ truyền – phục hồi chức năng, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, hiện khoa đang tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Liệt VII ngoại biên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc phối hợp nhiều phương pháp giúp mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
- Châm cứu, cứu ngải: Giúp ôn ấm các huyệt vị vùng mặt, lưu thông khí huyết…
- Điều trị bằng các dòng điện xung: kích thích thần kinh cơ, làm tăng dẫn truyền thần kinh, giúp phục hồi chức năng cho phần cơ mặt bên liệt.
- Điều trị bằng tia hồng ngoại: chống co cứng cơ, làm giãn mạch, tăng chuyển hóa và dinh dưỡng tại chỗ...
- Xoa bóp bấm huyệt - tập vận động cho các cơ vùng mặt: có tác dụng tăng tuần máu, lưu thông khí huyết, tập mạnh cho các cơ vùng mặt bị liệt…