Y học và đời sống

Men gan cao có cần uống thuốc?

  • Tác giả : Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn
Men gan là các chỉ số phản ánh sức khỏe của gan. Chỉ số men gan cao có thể đồng nghĩa với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần phải biết cách giải quyết.

Men gan gồm một hệ thống các loại enzyme thường được sản xuất bởi các tế bào gan, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng và đào thải độc tố. Khi gan hoạt động bình thường, chỉ số men gan ổn định. Trường hợp tế bào gan bị tổn thương, các enzym sẽ bị giải phóng vào máu làm tăng chỉ số men gan. Chỉ số men gan là yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe của gan.

Theo dõi chỉ số men gan không chỉ đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng thể mà còn giúp nhận định đúng tình trạng sức khỏe gan để có phương án bảo vệ tốt nhất chức năng gan. Các chỉ số men gan thường được bác sĩ chỉ định gồm: AST, ALT, GGT.

Nhiều yếu tố gây men gan tăng cao

Men gan cao là tình trạng nồng độ enzyme gan trong máu tăng cao do tế bào gan đang tổn thương hoặc viêm. Có nhiều nguyên nhân làm cho men gan tăng cao như viêm gan, gan nhiễm mỡ, lạm dụng rượu bia, tác dụng phụ của thuốc, chế độ ăn uống ảnh hưởng đến gan, bệnh lý gan mật.

Viêm gan do virus như viêm gan A, B và C là những nguyên nhân phổ biến gây tăng men gan. Uống rượu bia quá mức làm tổn thương trực tiếp đến các tế bào gan dẫn đến viêm, tích tụ mỡ trong gan do bệnh gan nhiễm mỡ, cũng là lý do khiến men gan tăng.

Dùng thuốc không đúng cách có thể là nguyên nhân nghiêm trọng gây hại cho cơ quan này. Các loại thuốc như kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, giảm mỡ máu, kháng sinh, kháng lao, thuốc tim mạch và chống động kinh dễ làm tổn thương gan, nhất là khi dùng quá liều. Để tránh nguy cơ tổn thương gan, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.

Men gan tăng cao gây xơ gan, ung thư gan... - Ảnh minh hoạ

Men gan tăng cao gây xơ gan, ung thư gan... - Ảnh minh hoạ

Thay đổi lối sống cũng giúp hạ men gan

Trong nhiều trường hợp, thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng men gan cao mà không cần dùng thuốc. Chế độ ăn uống đủ chất, tập thể dục đều đặn và tránh rượu bia là những biện pháp cơ bản nhưng rất hiệu quả.

Bác sĩ chỉ định cho người bệnh uống thuốc tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tăng men gan. Nên chủ động đi khám để xác định rõ nguyên nhân tăng men gan, từ đó có hướng điều trị đúng cách. Nếu men gan cao do viêm gan virus, bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus. Những loại thuốc này giúp ức chế virus, cải thiện chức năng gan và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân viêm gan B mạn tính..

Tăng men gan do gan nhiễm mỡ không do rượu có thể kết hợp dùng thuốc với biện pháp thay đổi lối sống, giảm cân, điều chỉnh ăn uống, hoạt động thể chất, kiểm soát đường huyết để cải thiện sức khỏe gan.

Bổ sung các sản phẩm bổ gan, thải độc gan tinh chất thiên nhiên hỗ trợ kiểm soát triệu chứng bệnh gan. Các hoạt chất này góp phần giảm gánh nặng cho gan nhờ tác dụng kiểm soát hoạt động của tế bào kupffer (đại thực bào trong gan). Từ đó chúng giúp hạn chế nguy cơ men gan cao, tránh tổn thương gan, tăng cường quá trình giải độc, bảo vệ lá gan và cơ thể.

Dấu hiệu men gan tăng cao phải chú ý

Cơ thể mẩn ngứa: Tăng men gan khiến cho các độc tố bị tích tụ bên trong cơ thể, xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da và ngứa ngáy cục bộ

Cơ thể phù nề: Tăng men gan làm suy giảm chức năng gan, chức năng thải độc bị hạn chế. Từ đó cơ thể có hiện tượng phù nề, phù thũng bàn tay, bàn chân…

Vàng da: Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi tăng men gan đó chính là vàng da. Thay vì một làn da trắng hồng đầy sức sống, da người bệnh có dấu hiệu vàng úa, nhợt nhạt, thiếu sức sống

Đau vùng sườn phải: Gan nằm ở vị trí sườn phải nên khi bị bệnh, bạn luôn có cảm giác vị trí này đau âm ỉ vô cùng khó chịu. Vì vậy cần đi khám để phát hiện và điều trị sớm

Phân có màu vàng nhạt: Không chỉ da vàng mà khi gan suy yếu, tắc mật làm cho phân có màu vàng nhạt và không xuống được ruột, khó khăn khi đi đại tiện

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn

(Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn

BẢN DESKTOP