Dữ liệu y khoa

Mẹ sử dụng rượu, nhiễm virus khi mang thai con dễ bị u bạch huyết

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Các bác sĩ bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vừa nội soi cắt u nang bạch huyết trong ổ bụng bệnh bệnh nhi 23 tháng tuổi. U bạch huyết là dị tật của hệ thống bạch huyết, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vị trí của cơ thể. Trong đó 90% xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi nên cần nhận biết để phát hiện sớm.

Có thể phát hiện u từ trong bào thai

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa phẫu thuật nội soi điều trị thành công u nang bạch huyết trong ổ bụng cho bệnh nhân Đ.D.MĐ 23 tháng tuổi, phát hiện bệnh từ 7 tháng tuổi. Cháu được theo dõi định kỳ tại Khoa phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gần đây u có biểu hiện tăng kích thước nên các bác sĩ đã quyết định cắt u bằng phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật 1 ngày cháu ăn uống bình thường và xuất viện sau 5 ngày.

TS.BS Nguyễn Việt Hoa,Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, n nang bạch huyết trong ổ bụng (dị dạng bạch huyết trong ổ bụng) là trường hợp hiếm xảy ra, chỉ chiếm 5% tổng số về các bất thường bạch mạch, thường phát triển từ mạc treo ruột, mạc nối lớn, ống tiêu hóa, khoang sau phúc mạc.

 Các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường không đặc hiệu: đau bụng, khối u bụng hoặc có thể có các dấu hiệu gián tiếp là tắc ruột, xoắn ruột, nôn, thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa nếu khối u chèn ép hoặc chảy máu. U nang bạch huyết ổ bụng có thể được chẩn đoán dựa vào siêu âm, cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ ổ bụng. Để chẩn đoán cần làm thêm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của bệnh,  phẫu thuật được đặt ra trong trường hợp các u nang lớn gây chèn ép, hoặc có dấu hiệu chảy máu trong u. Các biến chứng có thể gặp trong và sau phẫu thuật: Chảy máu, nhiễm trùng, tắc ruột sau mổ, tái phát bệnh, rò bạch huyết sau mổ.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, u bạch huyết là dị tật của hệ thống bạch huyết, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vị trí của cơ thể. Trong đó 90% xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ.  U bạch huyết có thể bị từ khi còn bé (bẩm sinh) hoặc mắc phải (sau chấn thương...). U bạch huyết bẩm sinh thường được chẩn đoán trước sinh, trong thời kỳ bào thai, qua siêu âm thai. U bạch huyết mắc phải thường xuất hiện sau chấn thương, viêm, hoặc tắc nghẽn bạch huyết, thường phát hiện tình cờ hoặc bệnh nhân có biểu hiện đau nhẹ tại vùng tổn thương. Hầu hết các u bạch huyết là tổn thương lành tính với tổn thương u mềm, phát triển chậm.

Nhiều dạng bạch huyết

 PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho biết, nguyên nhân trực tiếp của u bạch huyết là sự tắc nghẽn của hệ thống bạch huyết từ thời kỳ bào thai, mặc dù các triệu chứng có thể không phát hiện được trong giai đoạn mang thai của người mẹ cho đến khi em bé được sinh ra. Tắc nghẽn này được cho là gây ra bởi một số yếu tố, bao gồm: mẹ sử dụng rượu bà mẹ và nhiễm virus trong thời kỳ mang thai...

U bạch huyết được phân loại thành ba loại: u bạch huyết dạng mao mạch, dạng hang và dạng nang. U bạch huyết dạng mao mạch bao gồm các mạch bạch huyết có kích thước nhỏ, u thường nằm trong lớp biểu bì da, tổn thương là những cụm mụn nhỏ có màu từ hồng đến đỏ sẫm. Tổn thương lành tính và chỉ cần điều trị khi ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhiều.

U bạch huyết dạng hang bao gồm các mạch bạch huyết giãn hay xâm lấn các mô xung quanh, thường xuất hiện trong giai đoạn phôi thai và thấy ngay từ khi mới sinh, đôi khi cũng gặp ở lứa tuổi lớn hơn. Tổn thương thường nằm sâu dưới da và tạo khối lồi lên bề mặt da, hay gặp ở vùng cổ, lưỡi, môi, cũng có thể có thể gặp ở mặt, thân mình, chân, tay. Kích thước có thể từ vài mm đến vài cm. Các tổn thương này thường phát triển với một tốc độ nhanh chóng, tương tự như u máu.

U bạch huyết dạng nang: thường có kích thước lớn, chứa đầy chất dịch giàu protein, màu vàng chanh, có thể được phân loại thành các nhóm nang nhỏ, nang lớn, loại hỗn hợp tùy theo kích thước của u nang. U có thể bị ngay ở những tháng đầu của thai kỳ và thường liên quan đến các rối loạn về gen như hội chứng Noonan và hội chứng 3 nhiềm sắc thể 13, 18, 21, Hội chứng Turner, hội chứng Down...Nếu nang được hút bớt chúng có thề nhanh chóng được lấp đầy trở lại với chất lỏng. Các tổn thương sẽ phát triển và tăng kích thước nếu không được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.

U bạch huyết hiếm gặp, chiếm 4% các khối u mạch máu ở trẻ em.

Theo  PGS.TS Phạm Cẩm Phương, thường các u bạch huyết chỉ được điều trị khi ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc tổn thương u ở các cơ quan quan trọng có thể dẫn đến các biến chứng, ví dụ như suy hô hấp khối u gây chèn ép đường hô hấp....

Các tổn thương u bạch huyết thường không gây đau hoặc đau nhẹ. Bệnh có thể gây ra chảy máu nhỏ, viêm mô tế bào tái phát và rò rỉ dịch bạch huyết. Nếu u bạch huyết dạng nang có kích thước lớn ở vùng cổ có thể gây khó nuốt, các rối loạn hô hấp và nhiễm trùng...Vì vậy, các bệnh nhân có u bạch huyết cần được theo dõi và khám định kỳ.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP