Y học và đời sống

Màu sắc nước tiểu báo hiệu điều gì về sức khoẻ?

  • Tác giả : Theo Kỳ Duyên/ Tạp chí Tri thức
Theo chuyên gia, sự thay đổi màu sắc nước tiểu có thể là tín hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải một số vấn đề về sức khỏe.
Sự khác biệt về màu sắc của nước tiểu có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Ảnh: Adobe.

Sự khác biệt về màu sắc của nước tiểu có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Ảnh: Adobe.

Ở trạng thái thông thường, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc không có màu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã nhận đủ nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nước tiểu có thể chuyển sang màu nâu, màu hồng hoặc đục màu...

Theo TS Michael Palese, Trưởng khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Mount Sinai Beth (Israel), sự thay đổi màu sắc nước tiểu có thể là tín hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp phải một số vấn đề về sức khỏe.

Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng

Theo Health, việc ăn các thực phẩm như việt quất, củ dền… có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc hồng. Một số loại thuốc cũng gây ra hiện tượng tương tự.

Tuy nhiên, nếu không phải do thực phẩm hay thuốc, màu sắc này có thể là dấu hiệu của máu trong nước tiểu (tiểu máu) - cảnh báo các vấn đề như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, tổn thương đường tiết niệu hoặc nguy hiểm hơn là khối u.

Nước tiểu đục màu

Nước tiểu đục có thể là biểu hiện của nhiều tình trạng sức khỏe bất thường, bao gồm:

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Sự xuất hiện của máu, mủ hoặc bạch cầu dư thừa trong đường tiết niệu khiến nước tiểu có màu trắng đục.

Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI): Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng bạch cầu trong nước tiểu, dẫn đến hiện tượng nước tiểu đục.

Sỏi thận: Sự tích tụ khoáng chất cao trong nước tiểu có thể gây ra tình trạng đục màu – dấu hiệu điển hình của sỏi thận.

Bệnh tiểu đường: Nước tiểu đục có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, gây tổn thương thận.

Viêm âm đạo: Nhiễm trùng âm đạo làm tăng số lượng bạch cầu, dẫn đến tình trạng nước tiểu trắng đục khi bài tiết.

Nếu tình trạng nước tiểu đục kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường, người bệnh cần sớm thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ở trạng thái bình thường, nước tiểu có màu vàng nhạt. Ảnh: Freepik.

Ở trạng thái bình thường, nước tiểu có màu vàng nhạt. Ảnh: Freepik.

Nước tiểu màu nâu sẫm

Nước tiểu màu nâu sẫm có thể xuất phát từ việc tiêu thụ một số thực phẩm như đậu tằm, lô hội hoặc đại hoàng, theo Everyday Health. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mất nước nghiêm trọng, cần được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, nước tiểu sẫm màu có thể liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm như:

Bệnh gan: Các bệnh lý như xơ gan, viêm gan siêu vi cấp có thể khiến bilirubin tích tụ trong máu và nước tiểu, làm nước tiểu có màu nâu sẫm.

Hội chứng tiêu cơ vân (rhabdomyolysis): Tình trạng cơ bắp bị phá hủy, giải phóng myoglobin vào máu, dẫn đến nước tiểu có màu nâu sẫm.

Ung thư hắc tố (melanoma): Nước tiểu màu nâu có thể là dấu hiệu của melanin trong nước tiểu – một tín hiệu nguy hiểm liên quan đến sự tiến triển của ung thư hắc tố.

Nước tiểu màu vàng đậm

Nước tiểu có màu hổ phách, màu mật ong hoặc cam đậm thường là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Khi cơ thể thiếu nước, thận sẽ giữ lại nhiều nước hơn, khiến nước tiểu trở nên đậm màu.

Ngoài màu nước tiểu, mất nước còn có thể đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, hơi thở có mùi, thèm đồ ngọt hoặc chuột rút. Để ngăn ngừa tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, tùy theo thể trạng và mức độ vận động. Việc duy trì lượng nước cần thiết không chỉ giúp cơ thể hoạt động hiệu quả mà còn hỗ trợ thải độc và bảo vệ sức khỏe thận.

*Tiêu đề bài viết do BTV đặt lại!

Theo Kỳ Duyên/ Tạp chí Tri thức

BẢN DESKTOP