Khám phá

“Mắt vũ trụ” chứa “di hài” ngôi sao đỏ khổng lồ

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố hình ảnh của một vật thể tuyệt đẹp thuộc chòm sao Nhân Mã, được giới thiên văn gọi bằng nhiều tên hoa mỹ như “mắt vũ trụ”, “hành tinh xanh”, “người miền Nam”.

“Mắt vũ trụ” – Tinh vân NGC 3918 – ảnh: NASA

Hình ảnh trông như chụp một vụ nổ rực sáng từ không gian xa thẳm, tạo nên quầng sáng hình con mắt. Nhưng thực ra hình ảnh “mắt vũ trụ” này là tinh vân NGC 3918, được “kẻ săn hành tinh” – Kính Viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA chụp lại.

“Mắt vũ trụ” nằm cách chúng ta đến 5.346 năm ánh sáng. Lý do nó có những tên như “hành tinh xanh” là vì trước đó, qua các kính viễn vọng thông thường, người ta chỉ thấy nó như một đốm sáng xanh nhỏ xíu nằm trong chòm sao Nhân Mã (Centaurus). Đốm sáng xanh này lần đầu được trông thấy vào năm 1834 nhưng mãi đến ngày nay, chúng ta mới có thể ghi lại hình ảnh rõ ràng và hiểu về nó.

Tinh vân được biết đến như một “đám mây vũ trụ”, sinh ra khi một thiên thể chết đi. Ở trung tâm của tinh vân này, người ta tìm thấy tàn tích của một ngôi sao khổng lồ màu đỏ đã chết.

Sự hình thành tinh vân xảy ra trong giai đoạn “hấp hối” của ngôi sao: những đám mây khí khổng lồ được đẩy ra từ bề mặt của ngôi sao và để lại trơ trọi một sao lùn trắng – tức một lõi carbon và oxy nhỏ, sẽ dần dần nguội đi và tàn lụi.

Hình dạng hình con mắt đặc biệt của tinh vân NGC 3918 được tạo nên phần nào bởi kích thước khổng lồ của ngôi sao đã chết, đủ sức phun ra rất nhiều khí với cường độ và tốc độ khác nhau. Để có hình ảnh đẹp đẽ trên, cơn hấp hối của ngôi sao màu đỏ đã bắn ra khí với tốc độ đến 350.000km/giờ.

Các dữ liệu sơ bộ của NASA cho thấy tinh vân NGC 3918 có tuổi thọ chỉ vài chục nghìn năm.

Theo Người Lao Động, Kiến Thức

BẢN DESKTOP